Hiệu quả từ nguồn vốn ODA ở Lào Cai
Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tích cực phối kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong việc đẩy mạnh vận động, thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi, kết hợp chặt chẽ với các nguồn nội lực, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh ngày càng phát triển và đạt được nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực.
Hiệu quả thiết thực
Vốn ODA là một phần của nguồn tài chính chính thức mà Chính phủ các nước phát triển và các tổ chức đa phương dành cho các nước đang phát triển nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội. Vốn ODA bao gồm tất cả các khoản viện trợ không hoàn lại, có hoàn lại và vay ưu đãi. Với một tỉnh miền núi, biên giới nhiều còn khó khăn như Lào Cai thì vốn ODA có một ý nghĩa rất quan trọng nhằm bổ sung nguồn lực đầu tư cho phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh giảm mạnh đầu tư công như hiện nay.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, Lào Cai đã tiếp nhận và triển khai thực hiện 22 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài với tổng mức đầu tư 4.005 tỷ đồng. Các dự án cơ bản triển khai thực hiện tốt, phù hợp với mục tiêu viện trợ. Các chương trình, dự án ODA tập trung chủ yếu về lĩnh vực: phát triển đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; giao thông, thủy lợi; điện nước; tài nguyên môi trường; y tế; giáo dục, giảm nghèo tại các xã, huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn ở địa phương...
Cùng với nguồn vốn từ ngân sách hàng năm đầu tư 65-70% cho vùng cao, vùng nông thôn, trọng tâm là chương trình xây dựng nông thôn mới; nguồn vốn ODA trong giai đoạn vừa qua, mỗi năm bổ sung cho ngân sách tỉnh từ 700-800 tỷ đồng để góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn; thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội bền vững, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở các xã miền núi khó khăn, cải thiện môi trường, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững (tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm đều đạt và vượt trên 5%).
Phố Lê Thiết Hùng (P. Bắc Lệnh) được đầu tư, nâng cấp góp phần hình thành các tuyến phố văn minh, kiểu mẫu ở TP Lào Cai
Các chương trình/dự án ODA được đầu tư trong giai đoạn vừa qua sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả tích cực, theo đúng mục tiêu đề ra và đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong vùng dự án. Một số dự án hiệu quả điển hình như: Dự án giảm nghèo tỉnh Lào Cai giai đoạn bổ sung AF; Dự án phát triển đô thị loại vừa - tiểu dự án của thành phố Lào Cai (dự án gốc), đã nâng cấp rất nhiều tuyến đường thuộc các phường của thành phố Lào Cai. Một trong số 84 tuyến phố thời gian qua được đầu tư nâng cấp từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) trong kế hoạch đưa thành phố Lào Cai sớm trở thành đô thị loại I, đó là phố Lê Thiết Hùng, Phường Bắc Lệnh. Sau gần 2 năm đi vào sử dụng vẫn được người dân đánh giá cao vì chất lượng và tính thẩm mỹ.
Với Dự án Phát triển các đô thị hành lang tiểu vùng sông Mê Kông lần thứ 2 - Tiểu dự án đô thị Sa Pa, sử dụng vốn vay ADB được ký vào tháng 3/2016 giữa đại diện Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Dự án gồm có 3 hợp phần chính, đó là: Xây dựng, quản lý hệ thống xử lý nước thải Sa Pa; nâng cấp tỉnh lộ 152, đoạn từ thị trấn Sa Pa đi ngã ba Bản Dền; xây dựng và nâng cấp hạ tầng đô thị Sa Pa. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các gói thầu của các hợp phần đều cơ bản hoàn tất, tạo ra bộ mặt đô thị sạch đẹp trong mắt người dân và du khách.
Theo ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai: Thông qua nguồn vốn ODA, tỉnh Lào Cai đã cải thiện đáng kể về hạ tầng kết nối, phát triển hạ tầng nông thôn, các vùng kinh tế xóa đói giảm nghèo. Có thể nói từ hạ tầng giao thông đến công trình trọng điểm đã đem lại hiệu quả cao góp phần giảm nghèo cơ sở, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho người dân.
Có được kết quả như vậy, địa phương không chỉ nỗ lực trong công tác xúc tiến, vận động các nhà tài trợ của các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, WB, ADB..., mà còn chú trọng công tác quản lý các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan đầu mối và các đơn vị chuyên ngành có liên quan để quản lý, định hướng các nguồn vốn ODA theo chủ trương của Nhà nước, đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, Lào Cai đã thành lập và tổ chức hoạt động của Ban quản lý dự án ODA tỉnh, đây là mô hình mang tính chuyên nghiệp, được nhiều Bộ, ngành Trung ương cũng như nhà tài trợ (Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á) đánh giá cao hiệu quả hoạt động của mô hình này.
Đồng thời, các chương trình, dự án được đầu tư, hỗ trợ bằng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi được Lào Cai triển khai đúng quy trình chặt chẽ từ cơ sở, có sự tham gia tích cực và dân chủ của người hưởng lợi. Việc quản lý nguồn vốn của các dự án được thực hiện nghiêm túc theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước và thông lệ quốc tế.
Tiếp tục phát huy
Năm 2021, Lào Cai dự kiến ký kết thực hiện mới 04 dự án với vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ: Hàn Quốc, JICA, WB, KUWAIT với tổng vốn khoảng 2.600 tỷ đồng.
Để tiếp tục phát huy vai trò của nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong quá trình thực hiện đầu tư tại địa phương, trong thời gian tới Lào Cai tiếp tục thực hiện tốt giải pháp liên quan đến việc đảm bảo thực hiện các cam kết của phía Việt Nam với các nhà tài trợ về bố trí vốn đối ứng, kiện toàn năng lực của ban quản lý dự án, thực hiện tốt công tác giải phòng mặt bằng và tái định cư. Nâng cao vai trò chủ động và đề cao trách nhiệm của các cơ quản lý nhà nước về viện trợ phát triển, các cơ quản chủ quản, cũng như các đơn vị thụ hưởng trong thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA của các nhà tài trợ là một trong các yêu cầu đặt ra nhằm bảo đảm sử dụng có hiệu quả viện trợ trong bối cảnh hợp tác mới. Đồng thời chú trọng khâu giám sát và đánh giá trong quá trình thi công thực hiện dự án; thành lập tổ chuyên trách về đánh giá hậu dự án của tỉnh, xây dựng kho dữ liệu về các dự án ODA làm cơ sở thông tin cho công tác theo dõi và đánh giá nguồn vốn này.
Với quan điểm tích cực, chủ động và không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong nước và nước ngoài. Trong những năm qua, Lào Cai đã đổi mới căn bản phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng trực tiếp làm việc với từng nhà đầu tư để giới thiệu các dự án cụ thể, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và lợi ích của các nhà đầu tư; bảo đảm tính thiết thực và hiệu quả trong công tác xúc tiến đầu tư; đồng thời tích cực đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ. Do đó, Lào Cai tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách trong khuyến khích, thu hút đầu tư để điều chỉnh kịp thời, phù hợp, đủ sức hấp dẫn và cạnh tranh.
Có thể nói việc tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh… sẽ là những giải pháp hữu hiệu nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tài trợ từ ODA, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như vốn viện trợ phi chính phủ (NGO) đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Lào Cai đã và đang thể hiện là một điểm đến tiềm năng, môi trường đầu tư hấp dẫn, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế, xã hội của tỉnh. Vùng đất biên cương này hứa hẹn tiếp tục vươn mình mạnh mẽ trở thành điểm sáng của khu vưc trung du miền núi phía Bắc trong giai đoạn tới./.