Ðộc đáo sáo vầu của người Mông xanh
Đồng bào Mông xanh ở Lào Cai có một loại nhạc cụ truyền thống độc đáo, đó là cây sáo vầu để dùng trong nghi lễ cưới hỏi. Gọi theo tiếng dân tộc Mông xanh, cây sáo vầu có tên gọi là No Ta Mơ.No Ta Mơ là loại nhạc cụ truyền thống độc đáo của nam giới Mông xanh, do ông mối sử dụng trong quá trình hỏi vợ. Đây là loại nhạc cụ thuộc bộ hơi, chỉ được sử dụng trong các đám hỏi vợ và xin dâu. Khác biệt với các loại sáo của dân tộc khác, sáo của người Mông xanh được làm từ thân cây vầu. Đặc điểm các ống thon nhỏ dần đều, các đốt có độ dài đều nhau, đường kính ống vầu khoảng 4 - 5 cm, dài khoảng 80 cm, dùng que sắt đục thủng 1 lỗ nhỏ ở các mấu tạo lỗ thông khí cho cây sáo. Chọn ống vầu không lấy loại quá dầy hoặc loại quá mỏng vì liên quan đến chất lượng âm thanh phát ra, nếu ống vầu dày quá âm thanh nghe không trong, mỏng quá âm thanh nghe không hay.
Cấu tạo sáo vầu gồm có 1 lỗ khoét ở miệng ống và 7 lỗ nhỏ bằng đầu đũa (tương đương 7 nốt nhạc) ở thân vầu dùng để bấm nốt khi thổi tạo ra âm thanh theo nhịp, lời bài sáo. Khi thổi, ông mối đặt ống vầu lên miệng, lấy hơi thổi, dùng các ngón tay bấm 3 lỗ ở dưới (nốt nhạc) phát ra âm thanh. Vì sáo chỉ sử dụng khi có đám hỏi vợ nên trước khi mang đi thổi, ông mối thường lấy rượu rửa sáo tạo ra âm thanh trong trẻo mượt mà với tiết tấu vui nhộn của bài sáo hỏi vợ.
Đối với người Mông xanh, con trai lớn đến tuổi lấy vợ, họ nhờ ông mối mang cây sáo No Ta Mơ tới gia đình nhà cô gái thổi bài hỏi thăm, bài xin mở cửa, xin vào nhà, thổi bài mời rượu, cơm, thuốc, nước chè... Đoàn nhà trai đến, không có tiếng sáo, gia đình cô gái không cho nhà trai tìm hiểu, hỏi vợ. Như vậy, lúc này sáo là vật thiêng, giá trị cây sáo và tiếng sáo chính là cầu nối cho chàng trai đến với cô gái và cho họ nhà trai đặt quan hệ hai bên gia đình với nhau. Tiếng sáo chính là tiếng lòng của chàng trai gửi gắm tới cô gái, ông mối thổi sáo thay cho lời của chàng trai rằng:
Hỡi người ở trong nhà ơi!
Mở cửa cho tôi với, người ơi, người ơi!
Mở cửa cho tôi vào nhà đi, tôi xin đấy!
Ông mối vẫn đứng bên ngoài cửa,
tiếp tục cất tiếng sáo:
Hôm nay, ngày lành tháng tốt
Năm mới, năm đẹp
Chúng tôi đưa con rể về đây
Đến hỏi cưới con gái nhà ông bà
Hỏi xem gia đình ông bà và con gái
có đồng ý không?
Có nhất trí đồng ý lấy chú rể này
về làm con ông bà không?
Tiếng sáo dừng, ông bố cô gái liền mở cửa mời ông mối và đoàn đi hỏi vợ vào trong nhà ngồi uống nước, hút thuốc. Nếu nhất trí gả con gái, gia đình nhà gái trải chiếu bày mâm cơm mời ông mối và đoàn hỏi vợ. Ăn xong, chú rể lấy thuốc lào, rượu mời bố mẹ và anh em trong nhà. Ông mối hẹn ngày tốt đến đón dâu.
Ngày nay, mỗi làng người Mông xanh đều có ít nhất 1 cây sáo vầu, được ông mối bảo quản cẩn thận. Sau mỗi đám hỏi, cây sáo vầu được buộc thêm một dây vải đỏ có ý nghĩa cầu cho sáo vầu luôn đem niềm vui, hạnh phúc đến cho các đôi lứa. Tiếng sáo tình yêu vẫn luôn hiện hữu trong mỗi bản, đó là truyền thống văn hóa rất đặc trưng và độc đáo của cộng đồng người Mông xanh ở Lào Cai được giữ gìn và trân trọng.
http://baolaocai.vn/bai-viet/210529-oc-dao-sao-vau-cua-nguoi-mong-xanh