Nhiều kết quả tích cực trong công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ giai đoạn 2016-2020
Trong 5 năm qua, công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh hiện có 612 trường, trong đó có 376 trường chuẩn quốc gia. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú phát triển mạnh và ngày càng hoàn thiện, trở thành trụ cột của giáo dục vùng cao. Chất lượng giáo dục toàn diện, hiệu quả giáo dục đã có sự tiến bộ vững chắc và rõ nét.
Các trường học tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh.
Lào Cai đã tập trung nguồn lực phát triển giáo dục, trong đó ưu tiên nguồn lực cho phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Lào Cai đã đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, từng bước đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất trường lớp học; các nhà trường được xây dựng kiên cố, không còn lớp học tạm, xây dựng nhà bán trú, nhà công vụ, nhà vệ sinh đáp ứng được yêu cầu, đảm bảo được đời sống cán bộ, giáo viên, học sinh bán trú, nội trú. Đến hết năm 2020 không còn xã khó khăn về giáo dục. Tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông cao hơn bình quân cả nước, điểm trung bình thi tốt nghiệp Trung học phổ thông duy trì ở thứ 22 toàn quốc... Năm 2020, tỉnh Lào Cai tiếp tục duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở 152/152 xã, phường, thị trấn.
Đối với cấp mầm non, mạng lưới, quy mô trường học được sắp xếp phù hợp hơn, thành lập 8 trường liên cấp mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở. Chất lượng giáo dục được nâng cao, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục: Các trường vùng thuận lợi tổ chức cho trẻ làm quen với máy tính thông qua các phần mềm vui học như Kidsmart, bút chì thông minh; 100% trường có kết nối internet; số cán bộ và giáo viên biết khai thác, sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chăm sóc giáo dục trẻ. Hàng năm duy trì bền vững và chất lượng phổ cập giáo dục mâm non ở 9/9 huyện, thị xã, thành phố.
Trường tiểu học Nam Cường xây dựng mô hình trường học thể chất
Mức độ phổ cập giáo dục cấp tiểu học và trung học cơ sở tiếp tục được duy trì và nâng cao. Nhiều trường xây dựng mô hình trường học thông minh, lớp học thông minh ứng dụng kết nối trong và ngoài nước. Tổ chức các sân chơi tin học cho học sinh “Ngày hội computer, Vô địch tin học trẻ,...”. Năm 2020 duy trì bền vững 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 đạt 100%. Toàn tỉnh đạt tỷ lệ phổ cập Trung học cơ sở mức độ 1. Chất lượng giáo dục mũi nhọn đứng thứ hạng cao so với cả nước. Năm học 2019-2020, học sinh giỏi Quốc gia môn văn hóa đạt 41 giải (trong đó có 07 giải Nhì, 18 giải Ba, 16 giải Khuyến khích). Thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học tăng cả về số lượng và chất lượng. Có gần 900 dự án của trên 1.600 học sinh trên địa bàn tỉnh, trong đó có 2 dự án đi thi Quốc gia và đã đạt 01 dự án giải Nhất, 01 dự án giải Nhì. Đoàn Lào Cai được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao trong công tác hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, với vị trí thứ 3 toàn đoàn trên tổng số 68 đoàn dự thi.
Việc định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở và Trung học phổ thông vào học văn hóa và kết hợp học nghề đạt kết quả khá. Công tác xóa mù chữ được quan tâm, tăng cường. Giai đoạn 2015-2020 đã xóa mù chữ cho trên 13.000 người trong độ tuổi từ 15 - 60; trong đó tỷ lệ người biết chữ ở độ tuổi 15 – 60 đạt 94,5%.
Lào Cai luôn xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy trong giai đoạn tới, Lào Cai đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp như: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực chất; duy trì, củng cố vững chắc, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; xóa mù chữ, không tái mù; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất – kỹ thuật học đường, chuẩn hóa cơ sở vật chất các trường vùng cao, vùng khó khăn; phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực cao; đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Mở rộng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ trung học phổ thông và tương đương. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục với nội dung toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Chú trọng làm tốt công tác vận động quần chúng về việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập./.