Nếp nhà của người Mông
Người Mông đặt ngôi nhà của mình tùy theo địa hình, hoàn cảnh nhưng quan trọng nhất phải có đất khai khẩn được ruộng. Người Mông chỉ cần xem nơi đặt nền nhà lành hay dữ bằng cách dùng gáo bầu hoặc bát úp một rúm gạo xuống đất kèm theo lời khấn tỏ niềm mong ước mọi sự tốt lành. Sau ba buổi sớm đến mở gáo, thấy những hạt gạo vẫn nguyên lành, không bị kiến tha, không biến đổi màu, không xê dịch vương vãi, đó là nơi được chọn.Nếp nhà truyền thống của đồng bào Mông
Người Mông thường làm nhà trình tường bằng đất, mái lợp tranh hoặc gỗ pơ mu chẻ thành mảnh. Nhà khá giả hơn thì xây bằng đá, lợp ngói máng và có thể nâng cấp sàn gác thành buồng cho khách. Dù nhà cột chôn hay cột kê thì cũng phải có một cây cột chống nóc, gọi là “cột thần”. Gian chính giữa là nơi đặt bàn thờ, tiếp khách, ăn uống. Phía trước là cửa lớn treo quả bầu tượng trưng mong ước bình yên, no ấm; có nơi treo bằng một vuông vải đỏ. Gian phải từ trong bàn thờ nhìn ra là bếp sưởi và buồng ngủ của ông bà chủ. Phía trái là gian bếp lò, cầu nước và buồng ngủ cho con trai, con dâu vì con dâu thường phải dậy sớm hấp chõ cơm, nấu cám lợn.
Phía cửa chính gian giữa thường làm thụt vào để một khoảng không gian đặt cối xay, cối giã, ổ gà ấp. Phía sân đằng trước nhà là hệ thống chuồng lợn, chuồng gà, vịt đặt chếch một bên, không nhằm thẳng vào cửa chính. Tiếp theo hệ thống chuồng gia súc, gia cầm là vườn rau. Xa hơn là ruộng. Ngay phía đầu ruộng là chuồng trâu.
Bàn thờ người Mông tôn thờ ông bà tiên tổ đã quá cố và chư vị thần linh được gá bằng một tấm ván, trên đặt lư cắm hương. Người Mông thường cắm bốn nén tượng trưng cho bốn phương trời theo hàng ngang. Trên bàn thờ là cồng, quẻ để gieo, chuông và tấm khăn choàng mặt. Ngày Tết, các đồ dùng thường ngày như cày, cuốc, dao phát, súng kíp đều được xếp cạnh bàn thờ và mỗi vật dùng đều được dán một tờ giấy tạ theo quan niệm vạn vật đều có hồn.
Khi sinh, nhau con trai được chôn dưới gốc cây cột thần với ý niệm sẽ là người có trọng trách trong gia đình. Nhau con gái chôn dưới gầm giường của ông bà chủ với ý niệm sẽ đảm đương phận sự gìn giữ gia đình yên ấm, no đủ khi trưởng thành. Có nơi tùy theo dòng họ mà quy ước treo hàm con trâu đã hiến tế cho người già cả lên cây cột thần như họ Mã ở Sa Pa.
Gia đình người Mông truyền thống sống với nhau bình đẳng, mọi người đều tự giác gánh vác công việc như là chức phận đã định sẵn. Đàn ông lo việc lớn như dựng nhà, khai khẩn ruộng nương, chuẩn bị mùa vụ, kiếm tìm công cụ lao động, đồ dùng, vật nuôi, lo toan sàn gác lương thảo, đình đám, lễ lạt, học lý lối, nhất là những bài ca thuộc về phận sự của mình như “Mời ông bà tiên tổ” dịp lễ trọng hoặc tết Nguyên đán, “Quét bồ hóng” trưa 30 Tết.
Đàn bà lo bếp sưởi, bếp lò luôn ấm cúng, chõ cơm, nồi canh luôn đầy đặn, se lanh nhuộm chàm, canh cửi vải mặc, vườn rau, cho lợn, gà ăn. Con cháu đảm nhận chăn dắt trâu, bò, ngựa, dê; khi vào tuổi thành niên chuẩn bị làm đàn ông gây dựng gia đình thì vừa làm vừa học lý lối, học những bài ca phong tục và tập rèn tiếng khèn, tiếng sáo thật điêu luyện để kén vợ, cũng để đua khoe với xóm làng. Còn các thiếu nữ thì luôn kề sát mẹ để học lời ăn tiếng nói, bài dân ca và mềm mại đường kim mũi chỉ.
http://baolaocai.vn/bai-viet/12051-nep-nha-cua-nguoi-mong