Ba mươi năm ấy, vững bước vươn lên và tỏa sáng
Thời gian trôi nhanh, mới đó mà đã bước vào ngưỡng cửa năm thứ 30 kể từ ngày tỉnh Lào Cai được tái lập. Từ ngày đầu tiên của tháng 10/1991, guồng máy của tỉnh mới bắt đầu hoạt động trong thiếu thốn trăm bề. Từ các phương tiện thiết yếu đến phòng làm việc phải nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan huyện Bảo Thắng đóng ở Phố Lu, các cơ quan thị xã Lào Cai đóng tại Cam Đường, khu lán trại của Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng đóng ở 2 xã Xuân Giao, Tằng Loỏng (Bảo Thắng).Những người được phân công lên Lào Cai khi ấy không có gì khác ngoài tình yêu mảnh đất biên cương, tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ thôi thúc, chấp nhận vất vả, khó khăn cùng nhau khăn gói ngược lên ải Bắc. Những ngày đầu gian khổ “thương nhau tay nắm chặt tay”, chia ngọt sẻ bùi. Tết Nhâm Thân 1992, kỷ niệm không bao giờ quên của những người xa gia đình, xa người thân yêu, đón giao thừa nơi biên viễn. Giờ đây, những người đón tết Nhâm Thân năm ấy chẳng ai còn trẻ nữa, bồi hồi ký ức về Tết mở đầu cho chuỗi ngày khó khăn, vất vả, mở đường cho con tàu Lào Cai vững vàng tiến đến tương lai. Tết đầu tiên ấy là hình ảnh trên chuyến xe chở người được về miền nhớ ăn tết theo đường 70 khúc khuỷu gập ghềnh ổ trâu, ổ gà. Những cành đào phai biên giới, quà tết của miền đất hứa mang về quê đón xuân sang. Những người ở lại ngổn ngang “trăm mối tơ vò”, bùi ngùi đón Tết. Tết đầu tiên. Tết của muôn nỗi lo toan trong nhiều cái chưa có: Chưa có tỉnh lỵ, chưa có trụ sở làm việc chính thức, chưa có mái nhà riêng cho mỗi gia đình…
Ấy vậy mà đã bên thềm năm thứ 30 của vùng đất hồi sinh từ những ngày ầm ào xe máy, nhộn nhịp sức người trên đại công trường dựng xây cho hiện tại và mai sau. 30 năm của các thế hệ người Lào Cai kế tiếp nhau viết nên trang sử mới bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, không nghỉ để hôm nay mang diện mạo, tầm vóc của một tỉnh miền núi, biên giới ngày càng đàng hoàng, to đẹp. Ý Đảng, lòng dân hòa chung. Những mốc son qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh là định hướng, mục tiêu, nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước, cơ ngơi của một tỉnh biên giới mỗi ngày thêm hương sắc bằng những bước đi vững vàng. Chỉ nhìn vào con số thu ngân sách khi mới chia tách tỉnh chỉ có vẻn vẹn vài trăm triệu đồng, đến năm 2020 đạt hơn 9.089 tỷ đồng để thấy sự bứt phá ngoạn mục của Lào Cai. Đó là xu thế thời đại, là sự nỗ lực nội sinh của 25 dân tộc Lào Cai. Chỉ cần so sánh thị xã tỉnh lỵ Lào Cai cách đây 30 năm với thành phố tỉnh lỵ Lào Cai bây giờ sẽ cảm nhận như một giấc mơ hoa, thành phố hiện lên bức tranh toàn cảnh sáng màu đổi mới: Thành phố Lào Cai - thành phố biên thùy của niềm tin và hy vọng - đô thị loại II - thành phố Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới với niềm tự hào vững bước trên con đường thênh thang rộng mở, đang phấn đấu trở thành đô thị loại I.
Đón xuân Tân Sửu, niềm vui nối tiếp niềm vui, tỉnh Lào Cai có thêm một đô thị nữa: Thị xã Sa Pa - thị xã của danh thắng nổi tiếng trong và ngoài nước, thị xã của điểm đến du lịch quốc gia. Mừng xuân mới, Nhân dân các dân tộc Lào Cai có thêm sức bật mới: Đại hội đảng bộ các cấp thành công, mở ra vận hội và vị thế mới cho những năm tiếp theo. Năm 2021, năm đầu thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 trên 10%/năm; phấn đấu đến năm 2025, thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 15 nghìn tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người hơn 72 triệu đồng/năm, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân... khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ của một tỉnh miền núi biên giới đang tỏa sáng.
Một mùa xuân nữa lại về trên vùng đất Lào Cai thân thương!
http://baolaocai.vn/bai-viet/12004-ba-muoi-nam-ay-vung-buoc-vuon-len-va-toa-sang