Lào Cai thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn

Những năm gần đây, cùng với các loại hình du lịch khác, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ở Lào Cai đã thu hút được sự quan tâm của du khách; góp phần quan trọng nâng cao đời sống cho người dân tham gia và quảng bá trực tiếp các giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 25 điểm du lịch về du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn; 07 tuyến du lịch cộng đồng, nông thôn đã được công nhận; 10 hợp tác xã cung cấp dịch vụ nông nghiệp kết hợp với cung cấp dịch vụ du lịch; có khoảng 25 nghìn người làm việc trong lĩnh vực du lịch, 2.000 lao động nông thôn tham gia tại các homestay; thị trường khách chủ yếu được tỉnh kết nối với các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hội An đón khách trong nước và quốc tế.

Các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn được tỉnh Lào Cai phát triển gắn với đặc thù của từng địa phương. Du lịch cộng đồng được khởi xướng từ năm 1992 tại xã Tả Van (Sa Pa). Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 365 cơ sở homestay, trong đó tập trung chủ yếu tại thị xã Sa Pa, các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên, thành phố Lào Cai. Đội ngũ lao động trong các cơ sở lưu trú tại gia chủ yếu là các thành viên trong gia đình. Du lịch cộng đồng phát triển đã thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia vào các hoạt động cung ứng dịch vụ như: dịch vụ lưu trú, hướng dẫn du khách, dịch vụ xe ôm, khuân vác hành lý, biểu diễn văn nghệ, mua sắm thổ cẩm. Riêng điểm du lịch cộng đồng gắn với sinh thái tại bản Cát Cát (Sa Pa) năm 2019 đón 823.114 lượt khách. Hiện nay tỉnh Lào Cai có 2 nhóm cơ sở lưu trú tại gia của đồng bào dân tộc Giáy tại xã Tả Van (Sa Pa) và dân tộc Tày tại xã Tà Chải (Bắc Hà) được Hiệp hội Du lịch các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn Homestay ASEAN.

Ngoài việc tìm hiểu những nét văn hoá độc đáo của người bản địa, du khách còn được tham gia trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, lao động hàng ngày của người dân. Tại Sa Pa, du khách được trải nghiệm sản phẩm du lịch “Một ngày làm nông dân” để cùng tham gia gặt lúa, cày ruộng hay tưới rau. Còn tại các điểm du lịch cộng đồng ở Bắc Hà, du khách tham gia vào hoạt động hái mận, bẻ ngô. Mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái được du khách ưa thích như: Mô hình phát triển trồng hoa lan gắn với du lịch sinh thái của Hợp tác xã địa lan Tả Phìn (Sa Pa); mô hình trồng hoa hồng cổ Sa Pa của Hợp tác xã Hoàng Liên; mô hình trồng hoa hồng tại Vườn Hồng Bắc Hà; mô hình hoa lan và hoa phố tại Thung lũng hoa Việt Tú; đồi chè Linh Dương tại thành phố Lào Cai. Du lịch nông trại mới bắt đầu phát triển tại Lào Cai với điểm độc đáo của sản phẩm là du khách sẽ được tận hưởng các sản phẩm từ mô hình nông nghiệp, tự tay thu hái rau, củ, quả như: Vườn trồng dâu, thu nấm hương tại thị xã Sa Pa; Vườn lê Tai Nung tại huyện Bát Xát; vườn mận Bắc Hà; tham quan các trang trại nuôi cá nước lạnh, thưởng thức những món ăn ngon từ sản phẩm cá hồi, cá tầm trong các trang trại tại thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát.

Đồi chè Linh Dương, thành phố Lào Cai - Một trong những mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái.

Tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Tổ chức Bánh Mỳ thế giới, Tổ chức Phát triển Hà Lan - SNV Việt Nam, Trường Đại học vùng Vancouver Canada, Viện đại học Mở Hà Nội, Dự án EU, Tổ chức REACH, ILO, Dự án GREAT... để tận dụng mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn. Một số địa phương trong tỉnh cũng đã ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Thị xã Sa Pa hỗ trợ hộ dân homestay vay vốn 50 triệu đồng/hộ trong thời hạn 03 năm với lãi suất thấp, đối với hộ nghèo thì không tính lãi; kết quả đã có gần 150 hộ dân tộc thiểu số thuộc các xã Hầu Thào, Tả Van, Nậm Cang, Tả Phìn, Sử Pán được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư, gia cố, sửa chữa, nâng cấp và mua sắm các trang thiết bị phục vụ khách du lịch tại các cơ sở homestay với tổng kinh phí 7.350 triệu đồng. Huy động trên 14 tỷ đồng từ Nhân dân để đầu tư phát triển dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng. Đồng thời thị xã Sa Pa đã xây dựng được 03 mẫu thiết kế nhà du lịch cộng đồng đại diện cho các dân tộc Tày, Dao, Giáy để đầu tư xây dựng tại Bản Hồ, Tả Phìn, Tả Van; 04 đội văn nghệ dân gian tại các điểm du lịch cộng đồng Tả Van, Bản Hồ, Tả Phìn, Lao Chải. Văn hóa ẩm thực của 5 dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn là Giáy, Tày, Dao, Mông, Xá Phó đã được sưu tầm, khai thác trở thành những thực đơn phục vụ khách du lịch. Cùng với đó, huyện Bát Xát cũng ban hành Đề án phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc huyện Bát Xát giai đoạn 2016 - 2020. Mỗi hộ dân làm Homestay sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng tiền mặt/hộ và 12,5 triệu đồng/hộ cho trang thiết bị vận hành. Hiện tại đã có 14 hộ được hỗ trợ tiền làm homestay và 20 hộ được hỗ trợ tiền trang thiết bị.

Việc phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đã đóng góp thiết thực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm, phục hồi, phát triển của một số nghề truyền thống, các phong tục, sinh hoạt văn hóa cộng đồng; đem lại những nguồn thu nhập đáng kể cho bà con dân tộc thiểu số cũng như làm thay đổi bộ mặt làng bản, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên hầu hết các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn mới chỉ khai thác dịch vụ ăn, nghỉ và biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch, còn thiếu các hoạt động thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại địa phương; các nghề thủ công truyền thống bước đầu đã được khai thác phục vụ du lịch nhưng mới chỉ dừng lại ở những mô hình thí điểm nên chưa tạo được sức lan tỏa; vấn đề xử lý nước thải, rác thải vẫn còn bất cập; hầu hết các tuyến, điểm du lịch cộng đồng chưa được đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch thiết yếu gây khó khăn cho du khách và các đơn vị lữ hành tiếp cận điểm đến...

Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống điểm đến du lịch nông thôn từ cơ sở vật chất đến kĩ thuật, hạ tầng để đảm bảo xây dựng sản phẩm du lịch hài hoà, phù hợp với điều kiện của từng vùng miền; khai thác các giá trị ưu thế nổi trội, khác biệt gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương; nghiên cứu gia tăng giá trị của các sản phẩm du lịch để giữ chân và thu hút chi tiêu từ du khách; ban hành chính sách về phát triển du lịch của tỉnh để tạo nguồn lực hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.../.

Thanh Huyền

Tin Liên Quan

Thống nhất Kế hoạch tổ chức Hội chợ Kinh tế Thương mại và Du lịch Biên giới Trung-Việt năm 2024

Sáng 5/11, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức cuộc họp thống nhất nội dung Kế hoạch tham gia và phối hợp tổ chức Hội chợ Kinh tế Thương mại và Du lịch Biên giới Trung-Việt (Hồng Hà) năm 2024. Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.

Hội đàm công tác công đoàn năm 2024

Sáng 4/11, tại tỉnh Lào Cai, Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Tổng Công hội tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức hội đàm công tác công đoàn năm 2024.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề nghị Trung ương tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các tỉnh miền núi

Sáng 4/11, Quốc hội làm việc tại hội trường. Đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã tham gia thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của đất nước.

Để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong kỷ nguyên số

Giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia 2024 - Hứa hẹn gay cấn nhờ ngoại binh

Giai đoạn 2 và vòng chung kết giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 sẽ diễn ra từ ngày 07 – 17/11 tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Lào Cai hứa hẹn đầy kịch tính và hấp dẫn khi các đội có sự chuẩn bị tốt về lực lượng, đặc biệt là lực lượng vận động viên ngoại binh khi 8 trong số 9 đội bóng đã ký hợp...

Phấn đấu vượt tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông

Chiều 3/11, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng về tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông.