Lào Cai nâng cao hiệu quả trồng rừng gắn liền với phát triển kinh tế
Là tỉnh miền núi với diện tích đất rừng và lâm nghiệp chiếm hơn hai phần ba diện tích đất tự nhiên (327 nghìn héc-ta), trong đó có 286 nghìn héc-ta rừng, những năm qua Lào Cai đã chọn giải pháp trồng rừng gắn với chế biến lâm sản. Nhờ đó, tỷ lệ tán che phủ rừng được nâng cao, môi trường rừng không ngừng được cải thiện, người dân có nguồn thu nhập ổn định từ rừng.Huyện Bảo Yên là huyện liên tục dẫn đầu về tỷ lệ trồng rừng trong nhiều năm trở lại đây. Từ năm 2016, huyện đã thay đổi cách thức hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất từ trả tiền trước sang trả sau. Khi cây trồng của người dân được nghiệm thu tại vườn, nương, đồi đạt tiêu chuẩn thì mới được trả tiền hỗ trợ. Theo cách này, thay vì cấp phát giống cho người dân thì hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng có đất quy hoạch là rừng sản xuất, tự mua giống và trồng rừng. Sau khi rừng trồng được ngành chuyên môn bao gồm Ban quản lý rừng 661, kiểm lâm, phòng nông nghiệp huyện và chính quyền xã nghiệm thu tại thực địa thì chủ đầu tư chi trả tiền hỗ trợ cho người trồng rừng theo quy định.
Đây là cách làm mang lại "lợi kép", khuyến khích người dân chủ động đầu tư phát triển kinh tế rừng, giao quyền tự chủ cho người trồng rừng, từ khâu giống, thời gian trồng, chăm sóc, thu lợi đến bảo đảm đúng diện tích, tỷ lệ cây sống cao, chất lượng rừng tốt hơn. Sau bốn năm thực hiện phương thức hỗ trợ trồng rừng theo kết quả thực tế, toàn tỉnh Lào Cai đã trồng được hơn 25.000 ha rừng sản xuất, trong đó có hơn 18.000 ha được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, còn lại 6.500 ha do người dân tự trồng.
Năm 2020 tỉnh Lào Cai trồng được hơn 6000 ha rừng.
Thực hiện Chỉ thị 38 của Chính phủ, tỉnh Lào Cai đã rà soát xong và cắm 4.946 mốc giới các loại rừng theo mục đích sử dụng. Qua đó đã chuyển hơn 200 nghìn héc-ta đất lâm nghiệp và rừng phòng hộ ít xung yếu phục vụ phát triển rừng sản xuất. Tính đến nay, Lào Cai cơ bản giao xong 286 nghìn héc-ta đất lâm nghiệp cho hơn 50 nghìn hộ gia đình và 15 tổ chức nhận khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng kinh tế.
Ðể nâng cao hiệu quả kinh tế rừng cần phát triển mạnh trồng rừng đa loài, đa mục đích để tạo nguồn thu cao và ổn định hơn cho người trồng. Lào Cai ưu tiên trồng keo lai, mỡ, thông, muồng, bồ đề, luồng Thanh Hóa... Ðây là những giống cây qua khảo nghiệm đã chứng tỏ khả năng sinh trưởng nhanh, có thể thâm canh, tái vụ tại địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao. Ở nhiều xã vùng cao, vùng sâu huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên... người dân ưa chuộng nhất là cây keo lai, vì thích hợp với nhiều loại đất dốc. Nếu chăm sóc, bón phân đúng kỹ thuật cây sẽ cho năng suất từ 70 đến 80 m3 gỗ/ha, có hộ đạt tới hơn 100 m3 gỗ/ha, giá bán khoảng 60 đến 80 triệu đồng/ha, thời gian cho thu hoạch ngắn, chỉ khoảng 5 năm.
Cùng với đó là việc tận dụng lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng và đất đai, tỉnh đã khuyến khích người dân trồng quế. Tính đến nay, toàn tỉnh trồng được hơn 38.000 ha quế, trong đó có hơn 20.000 ha đang khai thác, tập trung ở các huyện Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn.... Hằng năm đạt sản lượng 20.000 tấn vỏ, trị giá hơn 800 tỷ đồng; 350 tấn tinh dầu, trị giá 315 tỷ đồng và hơn 44.000 tấn lá trị giá gần 90 tỷ đồng. Hai huyện Bắc Hà và Bảo Yên là nơi trồng nhiều quế nhất của tỉnh Lào Cai. Ở xã vùng sâu Xuân Hòa (Bảo Yên) hầu như nhà nào cũng trồng quế, nhà trồng ít thì 0,5 ha, nhà trồng nhiều từ 2 đến 3 ha. Nhờ bán vỏ, lá để chưng cất tinh dầu, hạt để làm giống nên hàng trăm hộ nông dân ở đây có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng khá lên. Bên cạnh đó, các địa phương phát triển mạnh cây thông mã vĩ và cây bồ đề lấy nhựa cánh kiến. Ở huyện Văn Bàn, Công ty Ðức Phú ký hợp đồng thu mua nhựa bồ đề với giá 350 nghìn đồng/kg với người trồng rừng địa phương. Với gần 500 ha bồ đề, người dân Văn Bàn có nguồn thu ổn định, khoảng 90 triệu đồng/ha/năm. Huyện Bắc Hà khai thác nhựa cây thông mã vĩ, với diện tích 45,5 ha, tổng sản lượng hằng năm đạt trung bình 15,9 tấn, thu về hàng chục tỷ đồng. Tại huyện Mường Khương cũng khảo nghiệm thành công 20 ha cây hồi, mở ra hướng đi mới để phủ xanh vùng "sa mạc hóa" này và đem lại thu nhập ổn định cho người trồng rừng.
Ðối với rừng gỗ lớn, Lào Cai hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô, giá trị thấp mà hướng tới sản xuất sản phẩm tinh, mẫu mã và có xuất xứ nguồn gốc, thương hiệu. Chuyển đổi phương thức tổ chức sản xuất: hình thành các tổ, nhóm sản xuất theo từng mặt hàng sản phẩm, hình thành các hợp tác xã lâm nghiệp chuyên môn hóa cao theo chuỗi giá trị sản phẩm và định hướng sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh hiện có hàng trăm cơ sở chế biến lâm sản, nhiều nhất là cơ sở bóc ván, ở các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn..., giúp tiêu thụ, nâng cao giá trị gỗ rừng trồng.
Với chủ trương trồng những cây có giá trị kinh tế cao và vận dụng linh hoạt chính sách giao đất, giao rừng cho người dân đang phát huy hiệu quả lớn tại Lào Cai. Trồng rừng không những đem lại hiệu quả về mặt kinh tế cho người dân Lào Cai mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc, góp phần bảo vệ môi trường, chống sa mạc hóa, hạn chế biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.