“Truyền nhân” của kho sách cổ ở Nà Khem
Đó là ông Đặng Văn Dồn, dân tộc Dao ở bản Nà Khem, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Ông là truyền nhân đời thứ 7 và là nghệ nhân trong lĩnh vực tín ngưỡng văn hóa của người Dao ở Nà Khem. Hơn 100 cuốn sách cổ hiện là tài sản vô giá mà ông bấy nhiêu năm đã phải đánh đổi để giữ gìn.Người được “bọc” trong núi
Từ Quốc lộ 70, chúng tôi vượt qua gần 2 km đường rừng để đến bản Nà Khem. Những ngọn núi cao chót vót, trầm hùng sừng sững được phủ bởi lớp mây trắng bạc màu hoa ban cuối mùa. Những bông hoa mơ trắng đọng sương đêm long lanh như ánh bạc khi những tia nắng đầu ngày chiếu tỏa. Ngôi nhà sàn của ông Đặng Văn Dồn ở lưng chừng núi, được bao bọc bởi những cây cọ già nua cao vút. Xa xa là cánh đồng lúa với những thửa ruộng cao thấp uốn lượn bên dòng suối, những hòn đá lớn nằm trơ trọi sau những trận lũ quét đi qua. Ngôi nhà sàn làm bằng gỗ lim rừng gần trăm năm “trơ gan cùng tuế nguyệt”, vững chãi giữa thung lũng Nà Khem. Ông Dồn tự hào về ngôi nhà lắm. Nhiều năm trước, có người trên phố đến tận nơi năn nỉ mua lại ngôi nhà nhưng ông không bán. “Ngôi nhà này là linh hồn, là bản sắc đã gắn bó với tôi từ khi mới sinh ra” - ông Dồn nói trong những làn khói quện thơm lừng từ ấm trà dây rừng đang chín trên bếp lửa.
ông Đặng Văn Dồn bên kho sách cổ người Dao với hơn 100 cuốn. |
Ông Dồn bảo: Ở bản Nà Khem, 100% là dân tộc Dao sinh sống hàng trăm năm trong thung lũng này. Không giống như người Dao ở một số nơi khác, người Dao ở Nà Khem có truyền thống dựng nhà sàn để ở. Thế nhưng, cách đây gần 20 năm, những ngôi nhà sàn ở Nà Khem được các đại gia trên phố săn tìm và trả giá cao. Vì cuộc sống còn nhiều khó khăn, một số gia đình dù lưu luyến với ngôi nhà sàn truyền thống nhưng vẫn phải bán đi.
Hiện, cả bản Nà Khem chỉ còn lại một vài ngôi nhà sàn cổ bằng gỗ lim rừng như ngôi nhà của ông Dồn…
“Truyền nhân” đời thứ 7
Cũng như ở các địa phương khác, người Dao ở bản Nà Khem vẫn giữ tập quán sinh hoạt không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi người đàn ông, đó là nghi lễ cấp sắc. Đối với ông Đặng Văn Dồn, nghi lễ này đã được gia đình thực hiện khi ông mới 10 tuổi.
Sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Nà Khem, từ nhỏ ông Dồn đã được bố của mình lựa chọn là “truyền nhân” đời thứ 7 của nghề thầy cúng gia truyền. Khi còn sống, “pá” (bố) của ông Dồn là một trong những thầy cúng có tiếng trong vùng và được người đời gọi là “kho sử sống” ở bản Nà Khem. Bao nhiêu năm vừa hành nghề vừa truyền dạy cho con biết đọc, biết viết chữ Nho và khi đến lúc tuổi đã xế chiều, ông truyền lại nghề cho con cùng với kho sách cổ như một món quà mà trời đã gửi trọn.
Được trao truyền “kho báu”, ông Dồn coi đó là niềm tự hào và là gánh nặng vì vừa phải giữ nghề truyền thống, vừa lưu giữ, bảo quản hơn 100 cuốn sách cổ còn nguyên vẹn cho thế hệ sau. Những cuốn sách cổ mà ông Dồn đang lưu giữ rất đa dạng về nội dung, hình thức thể hiện phong phú với dung lượng trung bình từ 60 đến 100 trang/cuốn. Có thể kể đến như sách giải hạn (6 cuốn); sách giỗ tổ (36 cuốn); sách đám tang (7 cuốn); sách cấp sắc, đám cưới, hát giao duyên, xem số, xem ngày (70 cuốn).
Trong số những cuốn sách cổ, quan trọng và quý giá nhất với ông Dồn là cuốn sách từ thời nhà Đường (Trung Quốc). Sách được viết theo lời kể của một vị vua nhà Đường sau khi chết 3 ngày, 3 đêm và sống lại đã chứng kiến những gì mà con người ta thực hiện khi còn sống thì khi chết đi sẽ nhận đúng như vậy. Cuốn sách gồm 10 chương, ngoài giá trị về mặt lịch sử, cuốn sách này còn có giá trị giáo dục con người phải sống lương thiện, phúc hậu, gieo nhân nào ắt gặt quả nấy.
Trong quá trình hành nghề và sử dụng sách cổ, ông Dồn vô tình làm thất lạc hơn 20 cuốn. Để sưu tầm và tìm lại, ông đã đi nhiều nơi, tìm gặp những cao nhân trong nghề ở các bản người Dao để trao đổi, ghi chép lại với mong muốn một ngày có thể bổ sung, hoàn chỉnh kho sách cổ của mình.
Bao nhiêu năm hành nghề thầy cúng và sưu tầm, bảo tồn sách cổ của người Dao, đến nay, khi tuổi dần đến mặt trời xế núi, mong muốn lớn nhất của ông là kho sách cổ sẽ được sao chép, in ấn lại để không chỉ lưu truyền cho các thế hệ trong gia đình, mà còn cho nhiều người biết đến.
http://baolaocai.vn/bai-viet/10926/truyen-nhan-cua-kho-sach-co-o-na-khem