Tăng cường các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng
Xác định công tác bảo vệ, phát triển rừng giữ vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Lào Cai đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này.Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như tăng cường công tác tuyên truyền và xây dựng lực lượng nòng cốt; đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên. Đặc biệt quan tâm tới công tác quy hoạch vùng rừng nguyên liệu. Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến lâm sản, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của nhân dân và chủ rừng luôn được các địa phương, lực lượng kiểm lâm chú trọng. Theo đó, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với các xã, bản xây dựng nội quy, quy ước và hương ước bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giúp bà con thấy được giá trị, tầm quan trọng của rừng đối với đời sống, từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng.
Tỉnh Lào Cai thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ 356.500 ha rừng hiện có.
Bằng rất nhiều nỗ lực và giải pháp hiệu quả, ngành nông nghiệp và các địa phương tỉnh Lào Cai thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ 356.500 ha rừng hiện có kết hợp với tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh công tác phát triển rừng. Năm 2019, tỷ lệ che phủ rừng đạt 55,63%, tăng 2,3% so với năm 2015, năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 56,01% (trong đó tỷ lệ che phủ rừng tại 02 huyện Bắc Hà và Si Ma Cai đều đạt trên 40%). Hoàn thành công tác rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng; quản lý 3 loại rừng phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gồm diện tích quy hoạch lâm nghiệp là 429.536 ha, chiếm 67,5%, trong đó quy hoạch rừng đặc dụng 64.526 ha, quy hoạch rừng phòng hộ 172.800 ha, quy hoạch rừng sản xuất 192.210 ha. Đến năm 2020, đã hình thành vùng rừng sản xuất thâm canh trên 70.000 ha tại các huyện, xã vùng thấp theo đúng mục tiêu đề án. Hằng năm, trồng rừng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cơ bản những diện tính rừng trồng mới được áp dụng các biện pháp thâm canh; năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng ngày càng tăng.
Phát triển kinh tế rừng ổn định bước đầu đã tạo việc làm cho trên 25.000 lao động vùng nông thôn của tỉnh, đem lại thu nhập bình quân từ 3,5 - 5 triệu đồng/hộ gia đình/năm, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm và thu nhập, nâng cao mức sống cho những người làm nghề rừng, góp phần đưa kinh tế lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Lào Cai.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Lào Cai vẫn còn những tồn tại nhất định. Một số địa phương vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; còn có hiện tượng tình trạng phá rừng, xâm lấn đất rừng, khai thác, vận chuyển buôn bán lâm sản trái phép...
Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai đề ra mục tiêu lấy kinh tế lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học là trọng tâm, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, chất lượng rừng là quan trọng để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng tự nhiên sản xuất hiện có. Phát huy các lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu, con người, để đẩy mạnh phát triển rừng trồng, rừng sản xuất theo hướng thâm canh tăng năng suất, nâng cao giá trị sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị sản phẩm; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân làm nghề rừng; góp phần xóa đói, giảm nghèo gắn với thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới./.