Bảo tồn văn hóa dân tộc trong trường học

Những năm gần đây, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong các trường học luôn được ngành giáo dục huyện Bảo Yên quan tâm, góp phần nuôi dưỡng tình yêu quê hương, ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc của học sinh.

Cứ chiều thứ Năm hằng tuần, học sinh Trường Tiểu học số 1 Vĩnh Yên lại háo hức chào đón nghệ nhân Hoàng Văn Thụy tới dạy hát, múa những làn điệu then cổ. Tiếng hát, tiếng nhạc rộn rã cùng âm thanh, nhịp điệu vui tươi của lời then, tiếng đàn tính giúp học sinh thư giãn sau những giờ học căng thẳng.

Nghệ nhân Hoàng Văn Thụy dạy then Tày cho học sinh Trường Tiểu học số 1 Vĩnh Yên.

Thầy giáo Hoàng Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Vĩnh Yên cho biết: Trường có 218 học sinh, trong đó chiếm hơn 90% là con em đồng bào dân tộc Tày. Thực hiện mô hình trường học gắn với văn hóa cộng đồng với chủ đề “Bảo tồn làn điệu hát then của dân tộc Tày”, bắt đầu từ năm học 2017 - 2018, trường mời nghệ nhân dân gian Hoàng Văn Thụy và Đội văn nghệ xã Vĩnh Yên trực tiếp đến giảng dạy vào thứ Năm hằng tuần. Hiện nhà trường cũng thành lập được Câu lạc bộ then Tày gồm 45 thành viên nòng cốt. Các em không chỉ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại trường mà còn biểu diễn tại các chương trình của xã, huyện. Ngoài học hát, múa những làn điệu then cổ, các em còn được tiếp cận những nét văn hóa dân tộc Tày độc đáo qua ẩm thực, trang phục, nông cụ… Vào những ngày lễ lớn, nhà trường tổ chức cho học sinh tập luyện và biểu diễn những làn điệu hát then, mang đến cho không gian học đường những sắc màu văn hóa.

Em Hoàng Thị Thu Thời, học sinh lớp 5, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ then Tày tâm sự: Ngay từ nhỏ, em đã được mẹ - thành viên Câu lạc bộ hát then của xã Vĩnh Yên - truyền dạy những bài hát, điệu múa và cách sử dụng đàn tính. Được tham gia Câu lạc bộ then Tày trong trường học giúp em hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống, từ đó nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và gìn giữ văn hóa của dân tộc.

Chia tay thầy và trò Trường Tiểu học số 1 Vĩnh Yên, tôi đến Trường PTDT bán trú THCS Kim Sơn. Ấn tượng đầu tiên khi tới đây là không gian học tập mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc. Trong Nhà trưng bày có hàng trăm sản phẩm đặc trưng của các dân tộc như váy, áo, nông cụ, nhạc cụ… Các sản phẩm do thầy và trò nhà trường sưu tầm, trang trí và từ nguồn kinh phí xã hội hóa huy động từ phụ huynh.

Cô giáo Phạm Tường Linh, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Kim Sơn cho biết: Từ năm học 2017 - 2018, trường đã xây dựng mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng. Việc giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc không chỉ thông qua những hoạt động ngoại khóa mà còn được lồng ghép vào chương trình học chính khóa của trường. Đặc biệt, với mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng, học sinh được tham gia nhiều hoạt động thú vị và hấp dẫn khác như sinh hoạt trong các câu lạc bộ múa gậy sênh tiền của người Mông, hát then của người Tày, tìm hiểu văn hóa người Dao... Trường còn khuyến khích học sinh dân tộc mặc trang phục truyền thống vào thứ Hai hằng tuần và tổ chức các trò chơi dân gian trong các buổi sinh hoạt tập thể, mời phụ huynh tham gia dạy cho học sinh trong câu lạc bộ về các điệu múa và bài hát truyền thống...

Những năm qua, ngành giáo dục huyện Bảo Yên luôn chú trọng đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy, tạo được hiệu ứng tốt, thu hút sự tham gia của nhiều học sinh, giáo viên, phụ huynh. Học sinh không những được tìm hiểu về văn hóa của dân tộc mình mà còn biết được văn hóa, tập quán các dân tộc khác, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ trong học tập.

Theo ông Trịnh Công Ninh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Yên, để thực hiện thành công mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng, các trường đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương, phụ huynh học sinh làm tốt công tác tuyên truyền; thành lập hội đồng tư vấn biên soạn tài liệu để lồng ghép, tích hợp vào một số tiết dạy trong các môn học (Âm nhạc, Lịch sử, Địa lý...); biên soạn bộ tiêu chí đánh giá; xây dựng phòng trưng bày các nét văn hóa độc đáo của các dân tộc trên địa bàn xã Kim Sơn. Cùng với đó, trường tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế để học sinh được tiếp xúc, làm quen với các điệu múa, bài hát truyền thống (hát then của dân tộc Tày, múa gậy sênh tiền của người Mông) và tìm hiểu các lễ hội của các dân tộc như Lễ hội lồng tồng (Lễ hội xuống đồng của dân tộc Tày), Lễ cấp sắc của dân tộc Dao…

Năm học 2020 - 2021, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Yên tiếp tục chỉ đạo các trường thực hiện điểm các mô hình: Trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng tại Trường THCS Vĩnh Yên, trường học sinh thái tại Trường Tiểu học và THCS số 2 Phúc Khánh. Ngoài ra, tiếp tục rà soát kế hoạch dạy học, đưa thêm nhiều nội dung vào giảng dạy gắn với các môn học (Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật...), đồng thời xây dựng bộ tài liệu các môn học.

http://baolaocai.vn/bai-viet/10320/bao-ton-van-hoa-dan-toc-trong-truong-hoc

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.