Đổi thay ở vùng quê cách mạng
“Từ một xã nghèo, Dương Quỳ đã bứt phá mạnh mẽ, đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là kết quả của sự quyết tâm, đồng thuận của nhiều thế hệ cán bộ và Nhân dân trong xã” - anh La Xuân Thắm, Bí thư Đảng ủy xã Dương Quỳ (huyện Văn Bàn) cho biết.Hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Tông Pháy chăm sóc tuyến đường hoa.
Để minh chứng cho nhận định của mình, Bí thư Đảng ủy xã dẫn chúng tôi thăm một số thôn trong xã. Tuyến đường nối từ trung tâm xã đến thôn Tông Pháy chạy qua cánh đồng đang vào vụ sản xuất mới. Trên cánh đồng, người dân hối hả làm đất, gieo trồng ngô vụ đông, vun từng luống khoai, tưới nước cho những luống rau mới nảy mầm. Ban đầu, đây là tuyến đường nội đồng nhỏ, hẹp nhưng với sự hiến đất, đóng góp ngày công của người dân mà tuyến đường được mở rộng, đổ bê tông với chiều rộng mặt đường 4,5 m. Giờ đây, không chỉ xe máy, mà xe ô tô, máy nông nghiệp di chuyển thuận lợi. Nhờ mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đời sống người dân được nâng lên.
Tranh thủ ngày rảnh rỗi, Chi hội Phụ nữ thôn Tông Pháy lại cùng nhau vệ sinh tuyến đường thôn, nhổ cỏ, trồng dặm thêm hoa 2 bên đường để tạo cảnh quan. Theo chị La Thị Hạnh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tông Pháy thì đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn những năm gần đây được nâng lên rất nhiều. Trước đây, người dân quanh năm làm lụng vất vả chỉ đủ ăn, đủ mặc. Giờ đây, cuộc sống đã khá hơn, không còn hộ đói. Cùng với phát triển kinh tế, đời sống tinh thần của người dân cũng được quan tâm.
Chị La Thị Hạnh năm nay mới 40 tuổi nhưng có thể kể lại chuyện xưa như những “lão làng” thực thụ bởi chị sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, có ông, bà, bố, mẹ là cựu chiến binh, tham gia các cuộc kháng chiến. Từ ngày còn nhỏ, những gian khổ thời chiến, khôi phục kinh tế sau chiến tranh hoặc chuyện đổi mới sau cách mạng, những thăng trầm trên mảnh đất quê hương luôn được thế hệ đi trước nhắc nhở cho các thế hệ sau. Chị Hạnh kể: Mỗi lần kể về những tháng ngày còn thiếu lương thực nhưng người dân vẫn gánh gạo từ cánh đồng Dương Quỳ đi khắp nơi phục vụ kháng chiến, bà và mẹ tôi lại rơi nước mắt. Dù không được trực tiếp trải qua thời chiến tranh gian khổ nhưng tôi hiểu rõ giá trị của độc lập và trân trọng những đổi thay của ngày hôm nay.
Diện mạo nông thôn xã Dương Quỳ ngày càng khởi sắc.
Xã Dương Quỳ được coi là quê hương cách mạng của huyện Văn Bàn với di tích đồn Dương Quỳ - nơi ghi dấu một thời oanh liệt trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Phát huy truyền thống cách mạng, sau khi huyện Văn Bàn giải phóng, Nhân dân xã Dương Quỳ luôn nỗ lực phát triển kinh tế, trở thành hậu phương sản xuất lương thực, tiếp tế cho nhiều địa phương khác. Giới thiệu về lịch sử của xã Dương Quỳ, anh La Xuân Thắm, Bí thư Đảng ủy xã điểm lại cụ thể từng mốc thời gian với những sự đổi thay của đất và người nơi đây. Theo anh Thắm, giai đoạn sau giải phóng, xã Dương Quỳ cũng như hầu hết các địa phương khác gặp nhiều khó khăn. Việc sản xuất với những giống cây trồng cũ, thiếu trâu, bò làm sức kéo, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư nên năng suất thấp, người dân thiếu lương thực, nhưng một phần sản lượng vẫn được đóng góp cho kháng chiến. Đến giai đoạn 1986 - 1991, kinh tế hộ bắt đầu phát triển, người dân đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất. Từ sau năm 1991, hạ tầng nông thôn được đầu tư, đặc biệt từ khi Quốc lộ 279 được nâng cấp, rải nhựa, việc kết nối và giao thương giữa Dương Quỳ với các xã khác thuận tiện hơn, đời sống người dân cũng được nâng lên. Đến năm 2010, tình trạng thiếu lương thực tại Dương Quỳ cơ bản được giải quyết và đây cũng là giai đoạn lịch sử, cột mốc quan trọng của xã với những nỗ lực thoát nghèo, trở thành xã phát triển của huyện.
Giai đoạn 2015 - 2020 là giai đoạn thoát nghèo rõ rệt nhất của xã Dương Quỳ. Hạ tầng nông thôn được đầu tư nhiều hơn, kinh tế của người dân phát triển nhờ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, thâm canh, tăng vụ vào sản xuất. Năng suất lúa bình quân của xã lên tới 75 tạ/ha/vụ (cao hơn năng suất trung bình của tỉnh khoảng 20 tạ). Ngoài 2 vụ lúa, người dân sản xuất thêm 1 vụ đông với các loại rau, màu có giá trị kinh tế cao. Chăn nuôi gia súc, gia cầm được mở rộng quy mô. Dịch vụ, thương mại, xây dựng phát triển nhanh, mạnh. Xã Dương Quỳ đã đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2019. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36 triệu đồng/năm. Diện mạo nông thôn Dương Quỳ khởi sắc rõ rệt. Hầu hết đường thôn, đường nội đồng, liên gia được đổ bê tông. Nhiều tuyến đường được đầu tư điện thắp sáng và tuyến đường hoa được hình thành. Nhà ở của người dân cũng được nâng cấp, xây mới kiên cố, khang trang. Trên địa bàn xã không còn nhà tạm.
Bí thư Đảng ủy La Xuân Thắm nhấn mạnh: Phát huy truyền thống cách mạng, quyết tâm vượt khó, xã Dương Quỳ đã khoác tấm áo mới. Đó là kết quả từ những quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của người dân trong xã. Xã Dương Quỳ luôn quan tâm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, trọng tâm là giáo dục từ truyền thống gia đình để mỗi gia đình trở thành một hạt nhân, góp phần xây dựng quê hương. Chúng tôi mong muốn “truyền lửa” cho thế hệ sau tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước, nỗ lực xây dựng Dương Quỳ phát triển.
http://baolaocai.vn/bai-viet/9977/doi-thay-o-vung-que-cach-mang