Lào Cai thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Giai đoạn 2012 - 2020, tỉnh Lào Cai đã ban hành một số chính sách và triển khai nhiều hoạt động nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.Các chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai tích cực, đạt một số kết quả bước đầu quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai. Đến nay đã có 02 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn của Chính phủ và 06 dự án nông nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư. Các chính sách của tỉnh đã thu hút được 52 doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hoạt động ứng dụng và đổi mới công nghệ cũng được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Lào Cai như: công nghệ giống chất lượng cao, nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới, kỹ thuật chăm sóc, bảo quản chế biến sau thu hoạch, liên kết tiêu thụ sản phẩm; công nghệ chăn nuôi theo quy trình công nghệ cao, an toàn dịch bệnh; công nghệ vi sinh trong chế biến thức ăn, công nghệ khí sinh học Biogas trong xử lý chất thải chăn nuôi; ứng dụng quy trình VIETGAP, sản xuất nuôi trồng thủy sản nước lạnh… Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng nhanh, đến hết năm 2020 ước đạt 2.744 ha, giá trị canh tác trồng trọt đạt 260 triệu đồng/ha/năm.
Đến nay, Lào Cai đã bước đầu hình thành 06 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với những sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao có diện tích 700 ha tại 9 huyện, thị xã, thành phố; vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao có diện tích 210 ha trên địa bàn các huyện Bắc Hà, Bảo Yên, thị xã Sa Pa; vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao có diện tích 1.114 ha, bố trí trên địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố; vùng cây ăn quả ôn đới ứng dụng công nghệ cao có diện tích 390 ha tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai, thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa; vùng trồng cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao có diện tích 350 ha tại 6 huyện, thị xã; vùng chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao đầu tư xây dựng mô hình trang trại, ứng dụng công nghệ mới trên địa bàn các huyện Bảo Thắng, Bắc Hà, trong đó có 01 cơ sở chăn nuôi gà thịt quy mô trên 20.000 con. Đồng thời tỉnh Lào Cai thực hiện quy hoạch 01 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp quốc gia tại thị xã Sa Pa với diện tích 200 ha và 02 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh tại huyện Bắc Hà, thị xã Sa Pa với tổng diện tích gần 600 ha.
Một số sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong giai đoạn 2012 - 2020, tỉnh Lào Cai đã quản lý việc triển khai thực hiện 91 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp với 54 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, 32 dự án thuộc chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và 05 dự án thuộc Chương trình nông thôn và miền núi Trung ương. Trong đó đã chọn tạo và phát triển được 03 giống lúa lai (LC25, LC212, LC270) năng suất trung bình đạt 70 - 80 tấn/ha; bảo tồn, khai thác và phát triển giống lúa bản địa có giá trị kinh tế cao; tiến hành khảo nghiệm, lựa chọn được 06 giống lúa mới cho năng suất cao, chất lượng tốt thích ứng điều kiện khí hậu thổ nhưỡng Lào Cai; nghiên cứu và xây dựng mô hình liên kết sản xuất giống lúa chất lượng cao LH12 theo chuỗi giá trị tại Lào Cai. Từ kết quả nghiên cứu trên đã góp phần đáp ứng được khoảng 60% giống lúa tốt cho nhân dân hàng năm, tiến tới sẽ hoàn toàn chủ động việc sản xuất giống lúa lai tại tỉnh.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dưa lưới tại thành phố Lào Cai.
Bên cạnh đó, tiến hành thử nghiệm, khảo nghiệm các giống rau, hoa mới có giá trị kinh tế, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô sản xuất, phát triển, qua đó lựa chọn, bổ sung vào cơ cấu sản xuất 24 giống; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao 06 giống. Thực hiện khảo nghiệm, nhân giống lựa chọn được 07 giống cây ăn quả. Nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu và chế biến, xây dựng mô hình sản xuất, nhân giống đối với trên 23 loại cây dược liệu gồm: tam thất, dâm dương hoắc, bạch quả, đẳng sâm… theo hướng tiêu chuẩn GACP-WHO. Tập trung nghiên cứu kỹ thuật gây trồng, nhân giống và xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh đối với 05 loại cây lâm nghiệp gồm: cây bách tán Đài Loan, táo mèo, cây đặc sản rừng, cây xoan đào, cây quế. Nghiên cứu, khảo nghiệm, phát triển nhân rộng 16 giống vật nuôi và giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như: thỏ trắng, dê thịt, lợn thảo dược, gà Đông Tảo lai, ba ba gai, cá chiên, cá bỗng, cá leo... nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, giúp tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Thông qua triển khai các đề tài, dự án khoa học và công nghệ trong nông nghiệp đã góp phần bảo tồn, phát triển các loài cây bản địa quý, hiếm trên địa bàn tỉnh; đồng thời đáp ứng một phần nhu cầu về các loại giống cây lương thực, cây rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu, cây lâm nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản… cho nhân dân trong tỉnh.
Giai đoạn tiếp theo đến năm 2030, Lào Cai đề ra mục tiêu thực hiện quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh và công nhận vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đảm bảo các tiêu chí theo quy định của Trung ương./.