Phát triển du lịch Lào Cai thành ngành kinh tế mũi nhọn
Sau 5 năm thực hiện Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”, du lịch tỉnh Lào Cai đã có bước phát triển mạnh mẽ, cơ bản các mục tiêu đều đạt cao so với mục tiêu của Đề án và mục tiêu Nghị quyết Đại hội, trong đó có những chỉ tiêu dẫn đầu khu vực Tây Bắc và đạt cao so với cả nước.Mùa vàng trên những thửa ruộng bậc thang Ý Tý
Lào Cai hoàn thành xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030; ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch tỉnh Lào Cai bằng 3 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc); phát triển Du lịch thông minh với việc đưa vào triển khai thí điểm bộ 3 sản phẩm gồm Cổng thông tin du lịch thông minh, Ứng dụng du lịch trên thiết bị thông minh (App) và Phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến.
Nhiều dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, Khu du lịch sinh thái, Du lịch cộng đồng, Khu dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại đi vào hoạt động, góp phần nâng số lượng các cơ sở lưu trú, du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh tăng gấp đôi so với năm 2015 (1.300 cơ sở) như Khu vui chơi giải trí cáp treo Fansipan; Khu sinh thái Topas; các khách sạn tiêu chuẩn 5 sao (Acord, Silk Path, Pao’s Sa Pa). Các dự án đang triển khai: Công viên văn hóa Sa Pa, Khu vui chơi giải trí Bản Qua (Bát Xát), Khu du lịch Đồi con gái (Sa Pa),... hứa hẹn thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan. Hệ thống nhà hàng, cơ sở phục vụ ăn uống tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh cũng được hình thành, phát triển tương đối mạnh mẽ, đa dạng.
Lào Cai đã xây dựng, phát triển được một số sản phẩm du lịch thành “thương hiệu” nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, Giải Marathon leo núi quốc tế (VMM), Giải đua xe đạp quốc tế “Một đường đua hai quốc gia” (Việt Nam - Trung Quốc); Lễ hội 4 mùa; Lễ hội trên mây Sa Pa,...
Phát triển du lịch cộng đồng được gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được các địa phương trong tỉnh triển khai mạnh mẽ. Lào Cai được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch ghi nhận là địa phương đứng đầu cả nước về phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng homestay (với hơn 340 cơ sở lưu trú homestay), phổ biến tại các xã: Tả Van, Tả Phìn (thị xã Sa Pa), Ý Tý (huyện Bát Xát), Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Tả Van Chư, Bản Liền (huyện Bắc Hà), Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên). 2 năm liền (2016 và 2017), du lịch cộng đồng Lào Cai được giải thưởng Homestay ASEAN, góp phần quảng bá hình ảnh về thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa Lào Cai đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, Lào Cai chú trọng triển khai chương trình du lịch thể thao độc đáo, chương trình "Chinh phục đỉnh cao" như: Đỉnh Fansipan (Sa Pa), Tuyến leo núi chinh phục đỉnh Ky Quan San và đỉnh Nhìu Cồ San. Khai thác sản phẩm du lịch trên tuyến: Sa Pa - Tả Giàng Phình - Ngũ Chỉ Sơn - Nậm Pung - Ky Quan San - Y Tý - Lào Cai và tuyến dã ngọai thăm quan bản làng khu vực Bản Xèo, Nậm Pung, Sảng Ma Sáo, Dền Thàng, Mường Hum.
Du khách tham quan, mua sắm tại chợ văn hóa Bắc Hà
Công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch cũng được tỉnh chú trọng triển khai thực hiện. Giai đoạn 2016 - 2020, Lào Cai đã phối hợp với các địa phương, các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, đào tạo và bồi dưỡng mới, đào tạo lại hơn 4.000 lao động, nâng tổng số lao động du lịch đã qua đào tạo lên hơn 14.000 người.
Lào Cai đã huy động hơn 21.130 tỷ đồng để thực hiện Đề án (vượt mục tiêu 17%). Trong đó, vốn ngân sách địa phương 47,53 tỷ đồng; vốn sự nghiệp ngân sách địa phương 49,89 tỷ đồng; vốn vay ODA 129 tỷ đồng; vốn đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân 14.318 tỷ đồng; vốn tín dụng 6.496 tỷ đồng; vốn người dân đóng góp 85,55 tỷ đồng và nguồn vốn khác 3,91 tỷ đồng.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”, tổng lượt khách du lịch đến Lào Cai đến hết năm 2019 đạt 5,1 triệu lượt khách (vượt 13,5% so với mục tiêu Đề án); tổng doanh thu du lịch năm 2019 đạt 19.200 tỷ đồng (vượt 6,7% so với mục tiêu Đề án). Số ngày lưu trú bình quân du khách đạt 2,25 ngày, mức chi tiêu bình quân của khách du lịch đến Lào Cai đạt 1.667.000 đồng/khách/ngày, tạo việc làm cho hơn 32.000 lao động.
Du lịch Lào Cai từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.