Lào Cai: Tập trung nguồn lực xóa đói, giảm nghèo
Là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, đông đồng bào dân tộc sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, tỉnh Lào Cai đã dành sự quan tâm đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giảm nghèo.Lào Cai huy động nguồn lực lớn cho công tác giảm nghèo, trong đó phát triển mạnh về giao thông nông thôn (Ảnh Báo Lào Cai).
Tỉnh ủy ban hành Đề án số 09-ĐA/TU về Giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu: Cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở vùng khó khăn; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; tạo cơ hội để người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số ổn định và đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Để triển khai có hiệu quả Đề án 09-ĐA/TU, hằng năm UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện và giao chỉ tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cho các địa phương. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phowng đã cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao, đồng thời luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành liên quan trong quá trình thực hiện. Lào Cai cũng quan tâm ban hành một số chính sách đặc thù nhằm đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh còn 37 xã nghèo (giảm 6 xã); tỷ lệ hộ nghèo bình quân các xã còn 32,69%, tương ứng với 8.397 hộ nghèo (giảm 13,23% so với năm 2018); hiện còn 02 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40% là Tả Gia Khâu - huyện Mường Khương (tỷ lệ hộ nghèo 44,44%) và Nậm Chày - huyện Văn Bàn (tỷ lệ hộ nghèo 43,68%). Dự kiến đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân các xã còn dưới 27%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của các xã nghèo cũng từng bước được xây dựng, hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Tỉnh đã phân bổ 833,01 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn đầu tư các công trình điện lưới, nguồn vốn ngân sách tập trung, nguồn vốn ODA,… để nâng xây dựng 470 công trình đường giao thông nông thôn, trường học, phòng học và các phòng chức năng; công trình cấp nước sinh hoạt; công trình thủy lợi phục vụ sản xuất kinh doanh. Số thôn, bản có đường trục giao thông cứng hóa đạt 85%; tỷ lệ thôn, bản có điện lưới đạt 92%; 100% số xã xóa phòng học tạm, tranh tre, vách nứa; 75% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 72%; tỷ lệ các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng 70% so với nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm; trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh đạt 100%,…
Kết quả đạt được trong giảm nghèo là rất lớn; tuy nhiên Lào Cai vẫn là tỉnh nghèo, nguồn lực thực hiện các chính sách giảm nghèo, trợ giúp xã hội còn thấp so với nhu cầu và phần lớn phụ thuộc vào Trung ương. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhanh nhưng vẫn còn ở mức cao so với các tỉnh trong khu vực, đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững.
Vì vậy, để giảm nghèo nhanh, bền vững, tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, ngành, tập thể, cá nhân trên địa bàn, tạo sự đồng thuận để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác giảm nghèo; trong đó, chú trọng việc tuyên truyền, khơi dậy ý chí tự lực, phấn đấu vươn lên của người nghèo.
Ưu tiên nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là vùng khó khăn; tăng cường thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chú trọng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về giảm nghèo, trợ giúp xã hội,…