Lào Cai: Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định, tỉnh Lào Cai đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
Các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Với mục tiêu, đảm bảo sự cân đối về nguồn lực hỗ trợ, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực tiềm năng và lợi thế của tỉnh, Lào Cai sẽ triển khai 10 nhóm hỗ trợ, gồm: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; Hỗ trợ lĩnh vực thuế, kế toán; Hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho DNNVV; Hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, kỹ thuật, khu làm việc chung; Hỗ trợ mở rộng thị trường; Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; Hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng Trung tâm “khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai”; Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Trọng tâm là tăng cường huy động nguồn vốn trong và ngoài địa bàn, bảo đảm tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện có nhu cầu về vốn đều được vay vốn ngân hàng, nhất là các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Thực hiện chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực công nghệ thông qua 5 hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, tìm kiếm, giải mã, chuyển giao công nghệ; xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ, truy xuất nguồn gốc và đo lường và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Hình thành các Vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về chuyển giao công nghệ, sản xuất chế bỉến sản phẩm nghề truyền thống và các đặc sản địa phương; khởi sự doanh nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triến thương hiệu sản phẩm. Tổ chức các khóa đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các DNNVV. Trong năm 2020 phấn đấu tạo việc làm tăng thêm cho 13.500 lao động, trong đó lao động nữ là 6.345 người, khoảng 1800 lao động được vay vốn Quỹ quốc gia việc làm; tư vấn, giới thiệu 5 - 6 ngàn lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút 600 - 800 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động. Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho khoảng 100 lao động đang làm việc trong 3 - 5 doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp nhỏ làm mộc tại Bảo Thắng (Ảnh: laocai.gov.vn)
Chú trọng hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Điểm nhấn quan trọng trong việc hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là việc xây dựng Trung tâm “Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai”. Hỗ trợ xác lập, quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân gồm: Hỗ trợ xây dựng, quản lý và phát triên các nhãn hiệu chứng nhận (Hà thủ ô đỏ Lào Cai, Gà Hmông Lào Cai, Tam thất Bắc Hà Lào Cai, Vịt bầu Nghĩa Đô...); hỗ trợ xây dựng và phát triển các nhãn hiệu hàng hóa và dịch vụ thông thường.
Khuyến khích và hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo đối với 08 sản phẩm nông nghiệp chủ lực (Chè; quế; gạo chất lượng cao; dược liệu; rau trái vụ; quả ôn đới; gia súc, gia cầm bản địa; cá tầm, cá hồi). Đây là những sản phẩm chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp, có xu hướng phát triển ổn định, có lợi thế so sánh. Ngoài ra còn có 12 sản phẩm tiềm năng (Atiso, sa nhân tím, quýt Mường Khương, hồng không hạt, gai xanh, chanh leo, chuối, dứa, ớt, dâu tằm, sả, cá chép) đã được sản xuất khảo nghiệm thành công, có khả năng và xu hướng để trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển giá trị của nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế đối với các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/hợp đồng và không quá 01 hợp đồng/năm cho mỗi doanh nghiệp.
Hỗ trợ 50% chi phí hợp đồng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hợp đồng chuyển giao công nghệ nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng và không quá 01 hợp đồng/năm cho mỗi doanh nghiệp.
Hỗ trợ 50% chi phí đào tạo chuyên sâu về các nội dung: Xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; phát triển thị trường; kết nối mạng lưới khởi nghiệp với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học.
Chi phí hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/khóa đào tạo và không quá 01 khóa đào tạo/ năm cho mỗi doanh nghiệp.
Đề xuất hỗ trợ 02 khu trưng bầy, giới thiệu sản phẩm của Hội nông sản an toàn tỉnh Lào Cai với nội dung: Hỗ trợ trang trí, trang thiết bị khu trưng bày với mức 100 triệu đồng/khu.
Hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp thuê mặt bằng và sử dụng trang thiết bị tại các khu trưng bầy; xây dựng Trung tâm sáng tạo 11 phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh: Hỗ trợ 100% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhưng không quá 2.000 triệu đồng/trung tâm.
Triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2019, toàn tỉnh Lào Cai có 2.056 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong những năm qua tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai thực hiện. Kết quả thể hiện rõ nét nhất, đó là: Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tạo điều kiện thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong việc hỗ trợ đào tạo nghề góp phần cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm được triển khai nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kết nối tuyển dụng lao động; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay vốn mở rộng sản xuất thu hút người lao động vào làm việc; công tác cải cách TTHC luôn được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực về thuế, hải quan; hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ công nghệ,…; hỗ trợ thông tin tư vấn pháp lý được quan tâm triển khai đã góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và quần chúng nhân dân trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nâng cao năng lực cạnh tranh. Ý thức chấp hành quy định của pháp luật trong tiếp cận, phối hợp và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ.
Trong thời gian qua, các nhiệm vụ giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã mang tại hiệu quả tích cực. Những doanh nghiệp này đã góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.