Ðỉnh núi thiêng của người Hà Nhì
Đứng từ thung lũng Thề Pả nhìn lên vách núi đá dựng đứng cao sừng sững phía Ngải Thầu, anh Phu Giá Xe, người dân thôn Lao Chải bảo đó là đỉnh núi linh thiêng của người Hà Nhì trên vùng cao Bát Xát, nhất là ở Y Tý, A Lù. Trong đời sống tâm linh của mình, trong những nghi lễ thờ cúng quan trọng, người Hà Nhì thường hướng về phía đỉnh núi đó cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.Đỉnh núi Ngựa làm cho bức tranh Y Tý thêm hùng vĩ. |
Truyền thuyết của người Hà Nhì kể lại rằng, từ xa xưa, người Hà Nhì đã đến Y Tý định cư và khai khẩn đất đai, làm ruộng bậc thang, cấy lúa dưới thung lũng Thề Pả, gần cầu Thiên Sinh. Năm đó, thời tiết hạn hán, không một hạt mưa, cỏ cây khô héo, những ruộng lúa, nương ngô bà con trồng dưới thung lũng Thề Pả cũng héo khô không ra bông, ra bắp. Mùa màng thất thu khiến cuộc sống người Hà Nhì vô cùng khó khăn.
Những cụ già có uy tín nhất trong vùng đi xem, thầy cúng bảo rằng, trên đỉnh núi đá Gạ Tạ Mò cao nhất nhìn xuống thung lũng Thề Pả có một con ngựa thần cư ngụ, thường xuyên bay xuống thung lũng quấy phá, ăn lúa, ngô của bà con, vì thế ngô, lúa không ra hạt được. Đỉnh núi đó còn gọi là núi Ngựa hay núi Thần Ngựa. Muốn ngựa thần không xuống phá lúa, phải làm lễ cúng dâng lễ vật lên thần ngựa trên đỉnh núi kia.
Vậy là người Hà Nhì tổ chức lễ cúng linh đình, thôn nào cũng mổ trâu làm mâm cúng chung, mỗi gia đình lại chuẩn bị một mâm cúng riêng để cúng ở khu rừng công viên của thôn. Lễ vật gồm có thịt trâu, rượu, gạo, các loại nông sản mà bà con làm được để dâng cúng các vị thần linh. Cùng với đó, dưới chân cột đu phải đặt một đấu thóc và nắm cỏ xanh làm lý, cầu mong ngựa thần nhận lễ vật, không xuống phá ngô, lúa của bà con. Sau khi cúng xong, người Hà Nhì ở một số thôn còn đặt con hổ đá Hà Gừ đối diện với phía đỉnh núi đá không cho ngựa thần xuống phá mùa màng nữa. Kể từ đó, mùa màng luôn tươi tốt, người Hà Nhì có cuộc sống ấm no hơn.
Không biết truyền thuyết của người Hà Nhì thực hư thế nào nhưng cho đến nay, cứ đến tháng 6 âm lịch hằng năm là người Hà Nhì ở các thôn, bản vùng cao Bát Xát nô nức tổ chức Lễ hội Khô Già Già cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Ở khu ruộng bậc thang thôn Lao Chải, Choản Thèn vẫn còn những con hổ đá bí ẩn nằm đó hướng thẳng về phía đỉnh núi Ngựa xa xa. Già làng Ly Seo Chơ, người có uy tín cao tuổi nhất thôn Lao Chải bảo: Năm 2016, có người trong thôn Lao Chải tự ý thuê người khiêng con hổ đá về nhà mình, bỗng dưng trời lại hạn hán, ngô lúa úa vàng. Thầy cúng nói hổ đá bị mang đi nên ngựa thần lại xuống phá lúa ngô. Bà con trong thôn Choản Thèn quyết đi đòi lại con hổ đá đặt vào đúng vị trí cũ. Kỳ lạ thay, sau đó mây đen vần vũ, trời bỗng đổ mưa sầm sập, các khu ruộng đầy nước, ngô lúa xanh tươi trở lại.
Từ những câu chuyện đậm chất thần bí, đỉnh núi Ngựa trở thành đỉnh núi thiêng của người Hà Nhì không chỉ ở xã Y Tý mà còn ở một số xã khác trên vùng cao Bát Xát. Những lần đi Lễ hội Khô Già Già ở thôn Lao Chải (xã Trịnh Tường) hoặc ở thôn Kin Chu Phìn (xã Nậm Pung), chúng tôi cũng thấy người Hà Nhì dùng đấu thóc, cỏ xanh cúng Thần Ngựa trên đỉnh núi Gạ Tạ Mò theo đúng truyền thống của tổ tiên. Trong một số nghi lễ quan trọng khác, người Hà Nhì cũng dùng đấu thóc, cỏ xanh dâng lên Thần Ngựa như lễ cúng Mu Thu Do tổ chức vào dịp đầu năm khi cấy lúa xong.
Lên xã Y Tý hôm nay, dù đứng ở thôn, bản nào cũng có thể nhìn thấy đỉnh núi Ngựa sừng sững giữa mây trời, giống như hình chú ngựa khổng lồ đang dạo chơi trên đỉnh núi. Đặc biệt, đỉnh núi Ngựa còn như biểu tượng của vùng đất này, làm cho bức tranh phong cảnh Y Tý thêm hoang sơ, hùng vĩ.