Lào Cai trong hành trình điểm đến Việt Nam

Du lịch Lào Cai mang trong mình sức hấp dẫn lạ kỳ. Đâu đây trên mảnh đất này bạn cũng có thể ngây ngất trong cảnh sắc thiên nhiên, trong sắc màu văn hóa đa dân tộc và ấn tượng khi ra về bởi nụ cười mến khách và sự chân thành của người Lào Cai.

Thung lũng Mường Hoa - Sa Pa (Ảnh: Hải Đăng)

Du lịch Lào Cai hội tụ đủ điều kiện để phát huy đa dạng các loại hình như du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch thăm quan, du lịch  thể thao mạo hiểm,…

Đến Lào Cai hôm nay, du khách vẫn không ngần ngại chọn Sa Pa là điểm dừng chân đầu tiên hoặc duy nhất, điều này không có gì ngạc nhiên bởi vẻ đẹp và sức hấp dẫn của vùng núi non xinh đẹp này.

Nằm trên độ cao 1.700m so với mực nước biển, Sa Pa được hưởng trọn vẹn sự ưu ái của đất trời về khí hậu mát mẻ quanh năm, có những năm vào mùa đông, Sa Pa còn được khoát trên mình chiếc áo choàng trắng tinh khiết được dệt thêu từ tuyết. Đến Sa Pa, du khách được thỏa thích ngắm nhìn, thử sức chinh phục đỉnh Pha Xi Păng hùng vĩ – nóc nhà của Đông Dương và khám phá một bảo tàng thiên nhiên với thảm thực vật hàng ngàn loại đặc hữu. Và còn nữa những địa danh ở Sa Pa mà nghe qua đã không thể chối từ như Thác Bạc, Cầu Mây, núi Hàm Rồng, Thanh Kim, Bản Hồ, làng thổ cẩm Tả Phìn, làng văn hóa Cát Cát, thung lũng Mường Hoa, huyền thoại thác Tình yêu,…


Bắc Hà - xứ sở của những rừng mận Tam Hoa, là điểm đến thú vị của du khách.

Đến một địa danh khác với những khu rừng nguyên sinh, rừng thảo quả - đó là Bát Xát, nơi có địa danh Mường Hum với những phiên chợ ngày chủ nhật đông vui, nhiều màu sắc của trang phục các dân tộc Hà Nhì, Giáy, Mông, Dao đỏ. Bát Xát có quần thể hang động Mường Vi, với các bức điêu khắc tự nhiên được tạo bởi nước và các khoáng chất từ đất, đá hàng ngàn năm tuổi. Nơi đây có bình nguyên Ý Tý trên độ cao 2.000m dịu mát quanh năm. Đặc biệt, nơi đây còn là đất của loại rượu ngon nổi tiếng với tên gọi San Lùng.
 
Từ nhiều năm nay, “cao nguyên trắng Bắc Hà” cũng làm điểm đến được du khách bốn phương lưu tâm. Thật ngạc nhiên và thích thú khi đặt chân đến xứ sở của những rừng mận tam hoa ngút ngàn, quê hương của loại rượu ngô Bản Phố nổi tiếng bên nồi thắng cố cùng những điệu xòe lãng mạn. Nơi đây còn hấp dẫn du khách với những phiên chợ vùng cao mang đậm sắc màu văn hóa dân gian cùng những câu chuyện huyền thoại từ thủa xa xưa gắn với địa danh động Tiên. Bắc Hà luôn tạo nên một màu sắc lạ trong bức tranh du lịch Lào Cai. Nếu Sa Pa mang đến cho du khách sự mát mẻ, thơ mộng và sang trọng thì Bắc Hà mang tới sự giản dị và ấm áp.

Cảnh sắc Mường Hum - Bát Xát.

Những nét chấm phá từ Sa Pa, Bắc Hà hay Bát Xát chỉ được coi là những mặt nổi trong tổng thể du lịch Lào Cai. Nói đến du lịch Lào Cai không thể không nhắc tới thành phố trẻ Lào Cai – nơi còn lưu giữ những nét văn hóa, kiến trúc từ lâu đời của một thành phố cổ vùng biên với di tích lịch sử văn hóa Đền Thượng, đến Cấm, đền Quan… Những lễ hội được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng, không chỉ gợi lên trong tâm linh người Việt Nam sự tự hào về chủ quyền của đất nước mà còn là điểm du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Cửa khẩu quốc tế Lào Cai được coi là tiềm năng lớn để phát triển du lịch của thành phố biên giới và trong tương lai - đó là trung tâm quốc tế lớn của khu vực ASEAN nối với vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.

Vẫn chưa đủ nếu chưa nhắc đến những tên gọi, địa danh như Phố Ràng, thành cổ Nghị Lang, Đền Bảo Hà (Bảo Yên); động Hàm Rồng, núi Cô Tiên, chợ Mường Khương, chợ Pha Long với món thắng cố và xôi bảy màu (Mường Khương); chợ Bản Mế, chợ Cán Cấu, chợ Si Ma Cai (huyện Si Ma Cai); đền Gió, Pú Gia Lan, hang động Thẳm Dương, Thẳm Sáng với những thạch động muôn vàn nhũ đá kỳ ảo (Văn Bàn); đến vùng quê của những mùa vải, mùa nhãn ngọt ngào Phú Nhuận (Bảo Thắng)…Nhưng ẩn số thực sự của du lịch Lào Cai lại được thể hiện ở chính nền văn hóa của cộng đồng 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, với những nét đặc sắc, độc đáo trong từng bộ trang phục, nếp nhà, từng làng bản, những phong tục tập quán và lễ hội truyền thống mà bạn có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu trong suốt cuộc hành trình tìm về mảnh đất biên cương, nơi địa đầu của Tổ quốc./.
Hoàng Liên

Tin Liên Quan

Khách du lịch đến Lào Cai đạt hơn 256 nghìn lượt trong 5 ngày nghỉ lễ

Trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai ước đạt 256.485 lượt (trong đó khách du lịch nội địa là 240.166 lượt, khách quốc tế đạt 16.319 lượt), tăng 13% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 857 tỷ đồng, tăng 20% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023.

Khai mạc Lễ hội mùa hè “Sa Pa - Xứ sở của tình yêu"

Tối 27/4, tại sân quần thị xã Sa Pa đã khai mạc Lễ hội mùa Hè Sa Pa năm 2024 với chủ đề "Sa Pa - Xứ sở của tình yêu". Đây là một trong năm lễ hội thường niên đã trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng mang bản sắc và thương hiệu riêng có của thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Bảo Yên khai mạc Ngày hội Văn hóa dân gian “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ 2 năm 2024”

Ngày 27/4, huyện Bảo Yên long trọng tổ chức khai mạc chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch tại Điểm du lịch cộng đồng Nghĩa Đô với chủ đề “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ hai năm 2024” gồm nhiều sự kiện hấp dẫn.

Lào Cai hưởng ứng Chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”

Để đón đầu kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 và mùa du lịch hè 2024, thúc đẩy phát triển du lịch và triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa, tỉnh Lào Cai tham gia phát động Chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” trên địa bàn tỉnh.

Lào Cai - điểm đến hấp dẫn trong kỳ nghỉ lễ

Chỉ còn hai ngày nữa kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 sẽ chính thức bắt đầu. Theo kế hoạch, dịp này các địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động kích cầu, thu hút du khách. Hiện các điểm du lịch, cơ sở lưu trú cũng đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, nhằm mang đến cho du khách một kỳ nghỉ thú vị.

Khảo sát, điền dã các di tích danh lam, thắng cảnh tại huyện Bát Xát

Trong 2 ngày, 23 và 24/4, UBND huyện Bát Xát phối hợp với Bảo tàng tỉnh thực hiện khảo sát, điền dã thác Ong Chúa và đỉnh núi Nhìu Cồ San (thuộc thôn Nhìu Cù San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát) để lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích danh lam, thắng cảnh cấp tỉnh.