Say mê điệu múa ở Đồng Qua
Men theo dòng suối Nhù, đi qua những cánh đồng lúa sẽ đến xã Liêm Phú (huyện Văn Bàn), một miền quê còn lưu giữ được nhiều nét sinh hoạt nguyên sơ của đồng bào Tày. Đến đây, du khách không khó để thấy hình ảnh các bà, các chị mặc váy chàm truyền thống và cùng nhau ngân lên lời ca, hòa vào điệu múa của dân tộc mình.Những điệu múa làm giàu thêm nét văn hóa đặc sắc của địa phương. |
Hiện các thôn trong xã đều có đội văn nghệ, mỗi đội ít nhất 16 thành viên. Chúng tôi có mặt tại căn nhà sàn đẹp nhất xã Liêm Phú, nơi đang diễn ra buổi tập văn nghệ của thôn Đồng Qua. Đây là đội văn nghệ cốt cán của xã gồm nhiều thành viên ở các lứa tuổi khác nhau và hoạt động thường xuyên nhất. Các bà, các mẹ đã bước sang tuổi lục tuần nhưng đôi tay, đôi chân vẫn dẻo dai, các điệu múa cổ truyền vẫn thành thục, đẹp mắt. Hầu hết họ biết múa từ năm 13, 14 tuổi.
Dù là điệu múa cổ được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác hoặc là những bài múa mới cách điệu nhưng đều mang ý nghĩa riêng qua sự thể hiện của phụ nữ dân tộc Tày. Mỗi bài múa lại sử dụng các vật dụng hỗ trợ biểu diễn khác nhau, khi là những chiếc quạt rực rỡ sắc màu, khi là chiếc khăn vuông đội đầu, chiếc ô, đôi lúc lại sử dụng cả quả còn. Các bài múa được dàn dựng công phu, tỉ mỉ, thể hiện được sự mềm mại, khéo léo và nét duyên dáng, uyển chuyển của phụ nữ.
Hằng ngày, họ là những phụ nữ chân lấm tay bùn, gắn bó với ruộng vườn, nhưng sau khi gác lại công việc thường nhật, họ lại trở thành những diễn viên múa không chuyên đầy nhiệt tình. Mỗi tuần, Đội văn nghệ thôn Đồng Qua tập luyện 2 buổi. Bà Nguyễn Thị Toòng, năm nay đã 70 tuổi và là thành viên cao tuổi nhất của đội văn nghệ cho biết: Tuy tuổi cao nhưng tôi vẫn đam mê múa hát. Được múa cùng chị em, tôi thấy mình khỏe mạnh, dẻo dai hơn, tinh thần cũng minh mẫn.
Đội văn nghệ họp bàn về cách dựng bài múa mới. |
Một bài múa được dàn dựng có sự góp sức của tập thể, tuy nhiên còn cần phải nhờ đến sự truyền dạy và ý tưởng của những thành viên cốt cán. Bà Ma Thị Trường là người sáng tác được nhiều điệu múa nhất từ những giai điệu có sẵn. Bà cho biết: Tôi biết múa và hát từ khi còn nhỏ, được các bà và mẹ truyền dạy cho. Đến nay, tôi đã làm biên đạo múa không chuyên được hơn 10 năm với nhiều bài múa khác nhau, mỗi bài mang một thông điệp riêng. Đa phần chúng tôi xây dựng bài múa theo chủ đề ngợi ca Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, cuộc sống đổi mới, ấm no của người dân. Đó có thể là điệu múa thể hiện Tết trồng cây vào mùa xuân, niềm vui ngày mùa no đủ hoặc niềm hạnh phúc khi cuộc sống sum vầy...
Để duy trì đội văn nghệ, các thành viên đã tự nguyện đóng góp kinh phí mua sắm trang phục biểu diễn và phục vụ các chi phí khác. Ngoài tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương, Đội văn nghệ thôn Đồng Qua còn tích cực tham gia các cuộc thi do huyện tổ chức, qua đó tạo được không khí vui tươi, phấn khởi cho các thành viên, đây cũng là nguồn cổ cũ, động viên tinh thần các thành viên trong đội. Đội văn nghệ thôn Đồng Qua cũng thường xuyên tham gia múa phục vụ du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương. Theo bà Lương Thị Tấm, Đội trưởng Đội văn nghệ thôn Đồng Qua, chị em tham gia múa không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn có thêm thu nhập, tạo niềm vui trong cuộc sống.
Tuy điều kiện sinh hoạt của đội văn nghệ còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng với niềm đam mê hát, múa và mong muốn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mỗi thành viên trong đội lại cố gắng khắc phục để tiếp tục tập luyện và cùng nhau làm giàu thêm nét văn hóa đặc sắc của địa phương.