DDCI 2019: Bức tranh khởi sắc
Điều tra, khảo sát và xếp hạng chỉ số DDCI Lào Cai năm 2019 gồm 2 nhóm chỉ số chủ yếu: DDCI cấp huyện và DDCI cấp sở, ngành. Theo bảng xếp hạng được công bố, chất lượng điều hành kinh tế các địa phương và sở, ngành ngày càng được cải thiện, bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh mang nhiều gam màu tươi sáng.Hiệu quả cải cách thủ tục hành chính
DDCI cấp huyện 2019 ghi nhận nhiều kết quả nổi bật trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và bộ phận một cửa tại Lào Cai. Điểm trung bình chung toàn tỉnh đạt 7,98 điểm, tiệm cận mức của nhóm “tốt”. Điều này mang nhiều thông điệp ý nghĩa. Trước tiên là cải cách TTHC và bộ phận một cửa tại Lào Cai đã đạt được những tiến bộ, nhận được đánh giá tích cực từ chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, lĩnh vực cải cách TTHC và bộ phận một cửa tại Lào Cai vẫn còn chưa đạt nhóm “tốt”, không thể chủ quan, vẫn cần những nỗ lực cải thiện từ các địa phương. Ví dụ điển hình là Văn Bàn, hiệu quả cải cách TTHC và bộ phận một cửa đạt 8,49 điểm, cao hơn các địa phương khác, nhưng đây là chỉ số thuộc nhóm thấp nhất của huyện.
Nhiều dự án lớn đầu tư vào Lào Cai, điển hình là Dự án mở rộng Nhà máy tuyển đồng Sin Quyền. |
Xếp sau thứ hạng của Văn Bàn, các địa phương Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Thắng cũng đạt được những ghi nhận tích cực từ chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương với mức điểm lần lượt là 8,14; 8,12 và 8,09 (trên ngưỡng 8 điểm). Bảo Thắng chưa đạt được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chung DDCI 2019, tuy nhiên những cải cách về TTHC và bộ phận một cửa của huyện đáng ghi nhận. Xét riêng chỉ số này huyện thuộc nhóm 4 huyện, thành phố có điểm số “tốt”. Trên thực tế, năm 2019, nhằm tạo thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân tiếp cận và thực hiện TTHC, đồng thời phát huy hiệu quả hoạt động của mạng bưu chính công cộng, UBND tỉnh đã cho phép triển khai thí điểm chuyển bộ phận một cửa của các huyện: Bảo Thắng, Bắc Hà, Mường Khương sang bưu điện huyện. Thực tế ghi nhận cho phép đưa ra nhận xét việc đưa bộ phận một cửa về đặt tại trụ sở của Bưu điện tại Bảo Thắng đã góp phần thúc đẩy thêm cải cách TTHC tại địa phương.
Trả lời cho câu hỏi “Ông/bà đánh giá thế nào về nhận định cho rằng chính quyền cấp huyện đã liên tục nỗ lực và đưa ra các sáng kiến nhằm cải cách TTHC?”, ngoại trừ Mường Khương, Bảo Yên và Sa Pa, các huyện, thành phố còn lại đều ghi nhận những đánh giá tích cực từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Như Văn Bàn 9,7 điểm; Bảo Thắng 8,56 điểm; Bắc Hà 8,28 điểm; thành phố Lào Cai 8,26 điểm. Rõ ràng có sự liên quan chặt chẽ giữa các sáng kiến ở địa phương và hiệu quả chung của cải cách TTHC và bộ phận một cửa. Bằng chứng là các huyện, thành phố nào được đánh giá cao trong việc đưa ra các sáng kiến, nỗ lực cải cách thì địa phương đó có thứ hạng và điểm số cao ở chỉ số thành phần đang xem xét. Ở chiều ngược lại, các địa phương còn thiếu các sáng kiến cải cách, điểm số chỉ số thành phần “cải cách TTHC và bộ phận một cửa” còn chững lại so với các địa phương còn lại.
Chú trọng áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, đổi mới phương pháp phục vụ các cơ sở sản xuất, kinh doanh là một điểm nhấn trong cải cách TTHC. Do đó, tính ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ công, thực hiện TTHC tại bộ phận một cửa đã ghi nhận điểm số tốt ở hầu hết các huyện, thành phố thuộc tỉnh. Mường Khương với 7,86 điểm và Bảo Yên 7,64 điểm vẫn còn nhiều khoảng cách với các địa phương còn lại. Với đặc thù có nhiều xã vùng cao, địa hình chia cắt, giao thông khó khăn, nhiều thôn cách xa trung tâm, các địa phương kể trên cũng gặp khó khăn nhất định ảnh hưởng đến hiệu quả chung của cải cách.
Giảm tối đa thời gian giải quyết các đầu việc tại bộ phận một cửa là một trong những giải pháp mà nhiều địa phương thực hiện. Muốn vậy, các việc liên quan đến TTHC đều cần được tiếp nhận và giải quyết kịp thời. DDCI đi sâu phân tích vào các lĩnh vực chính tại bộ phận một cửa để tìm ra lĩnh vực nào cần chú trọng theo đánh giá của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các TTHC liên quan đến “đất đai”, “địa chính - xây dựng”, và “tài nguyên khoáng sản” là những thủ tục chưa đạt được mức hài lòng cao của cộng đồng cơ sở sản xuất kinh doanh tại hầu hết địa phương.
Tính năng động, tiên phong của lãnh đạo
Trả lời câu hỏi về tính tích cực, chủ động của lãnh đạo sở, ban, ngành trong thực hiện sáng kiến, chương trình cải cách, 14,15% doanh nghiệp tham gia khảo sát tin tưởng cao. Trong khi đó, 59,47% đánh giá ở mức tương đối và 24,57% cho rằng tính tích cực “trung bình”. Có thể thấy, hầu hết các sở, ngành có những chương trình, sáng kiến riêng để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, tiếp cận của cộng đồng doanh nghiệp với các sáng kiến này thông qua mức độ đánh giá là không đồng đều. Còn tồn tại nhiều doanh nghiệp chỉ nhìn nhận ở mức độ “tương đối”.
Kết quả dường như khả quan hơn khi xem xét việc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Bình quân, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá lãnh đạo các sở, ban, ngành hết sức tích cực và nghiêm túc là 18,92% và “tương đối tích cực, nghiêm túc” là 62,38%. Tỷ lệ doanh nghiệp phản hồi các chính sách có thực hiện nhưng không tích cực là hạn chế. Chính vì vậy, điểm số trung bình của chỉ tiêu này đạt 7,93 điểm. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ đã tìm được tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và sở, ban, ngành, đồng thời nhận được sự hỗ trợ thông tin, kịp thời giải quyết một số khó khăn chung cho doanh nghiệp.
Một trong những kênh giúp việc nắm kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp là đối thoại chính sách. Đánh giá về tính tích cực của lãnh đạo các sở, ban, ngành khi tham gia đối thoại chính sách, doanh nghiệp dành mức điểm trung bình chung là 7,913 điểm, với điểm số cao nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (8,24 điểm) và thấp nhất là Sở Y tế (7,31 điểm). Doanh nghiệp đánh giá tốt về các hoạt động đối thoại chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hoạt động đối thoại của Cục thuế tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ được doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm và đánh giá tốt hơn các đơn vị còn lại.
Theo nhóm nghiên cứu việc tổ chức và tham gia các hoạt động đối thoại là quan trọng, tuy nhiên về bản chất, các doanh nghiệp quan tâm hơn đến chất lượng và cam kết của lãnh đạo các sở, ban, ngành sau công tác đối thoại. Về khía cạnh này, doanh nghiệp bày tỏ niềm tin cao hơn với các cam kết của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bằng chứng là điểm số chỉ tiêu “tinh thần tích cực, nghiêm túc thực hiện hiệu quả các cam kết với doanh nghiệp trong quá trình đối thoại” của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 8,3 điểm, tiếp tục xếp thứ hạng cao nhất.