Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Phóng viên Báo Lào Cai đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về nội dung này.
Phía Nam thành phố Lào Cai đã và đang thu hút nhiều dự án đầu tư nhà ở thương mại đô thị.

Phóng viên: Thưa ông, nhiều năm qua, Lào Cai luôn được đánh giá có môi trường đầu tư, kinh doanh tốt. Đề nghị ông cho biết những kết quả trong thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến nay?

Ông Phan Trung Bá: Lào Cai luôn xác định vấn đề mấu chốt, quyết định để tăng trưởng và phát triển kinh tế là đầu tư. Do đó, công tác thu hút đầu tư luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhất là giai đoạn 2015 - 2020.

Cụ thể, đối với các dự án đầu tư trong nước (DDI), tỉnh đã thẩm định chủ trương đầu tư 158 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách với tổng số vốn 30.106 tỷ đồng; thẩm định điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho 119 dự án; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 39 dự án.

Đối với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn tăng thêm đạt 1.368,7 tỷ đồng, tương đương 59,5 triệu USD. Trong đó, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 618,7 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn đầu tư của 7 dự án với tổng vốn đăng ký tăng thêm 750 tỷ đồng.

Việc triển khai thực hiện giải ngân các dự án thu hút đầu tư đóng góp quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh, đưa tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2019 đạt gần 130.000 tỷ đồng, tăng bình quân trên 20%/năm. Các dự án đầu tư về công nghiệp, du lịch, dịch vụ... đã đóng góp nguồn thu lớn vào ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh và giải quyết việc làm cho nhiều lao động người địa phương.

Phóng viên: Để đạt được kết quả trên, tỉnh đã có những chính sách ưu đãi gì trong thu hút đầu tư và giải pháp nào được triển khai, thưa ông?

Ông Phan Trung Bá: Với thông điệp “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”, tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp. Cụ thể, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh thông qua việc triển khai các cơ chế như ưu đãi đầu tư tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, giải phóng mặt bằng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp về lao động; thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 57/2018 ngày 17/4/2018 của Chính phủ); chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết số 12 ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh); chính sách khuyến công trên địa bàn tỉnh (Quyết định 84 ngày 26/8/2016 của UBND tỉnh); hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Lào Cai luôn thực hiện nguyên tắc hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư. Theo đó, các dự án đầu tư được tỉnh ưu tiên, cho phép hưởng các ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành có liên quan. Đây là tiền đề khẳng định sự đồng hành của chính quyền tỉnh với nhà đầu tư, tạo nền tảng quan trọng, giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp nhằm tập trung triển khai các hạng mục dự án quan trọng.

Tỉnh quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua công tác đối thoại với doanh nghiệp. Hằng năm, UBND tỉnh có các cuộc làm việc với các tập đoàn, tổng công ty; tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp xuất - nhập khẩu và các dịch vụ xuất - nhập khẩu; tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hoạt động xây dựng, vận tải. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức đối thoại với doanh nghiệp theo lĩnh vực, địa bàn với tinh thần cầu thị và lắng nghe doanh nghiệp.

Dự án nhà ở đô thị ở thành phố Lào Cai của Công ty Cổ phần sản xuất Xuất - nhập khẩu Phú Hưng.

Phóng viên: Hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp khó khăn khi giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phan Trung Bá: Đúng vậy, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của một số dự án trên địa bàn vẫn còn gặp khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do Luật Đất đai hiện cho phép áp dụng 2 cơ chế thu hồi đất, gồm Nhà nước thu hồi đất (chuyển dịch đất đai bắt buộc) hoặc nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất (chuyển dịch đất đai tự nguyện), do đó tạo chênh lệch lớn về giá đất khi thu hồi và đền bù, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng. Có nơi, năng lực cán bộ làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp, một số người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, cố tình đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi không hợp lý; công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu về các quy định của pháp luật chưa tốt...

Liên quan đến nội dung này, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo khắc phục. Các dự án vướng mắc, khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thường xuyên được UBND tỉnh chủ trì tổ chức họp và làm việc với các địa phương, đơn vị nhằm nắm tình hình và chỉ đạo có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Đối với một số dự án lớn, trọng điểm, có tính lan tỏa, tỉnh đã chỉ đạo thành lập các tổ hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng, qua đó các khó khăn, vướng mắc được giải quyết nhanh, triệt để, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Phóng viên: Những giải pháp nào được tỉnh tập trung triển khai để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, thưa ông?

Ông Phan Trung Bá: Tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các nhóm giải pháp tại Kế hoạch số 154 ngày 26/5/2020 về cải thiện chỉ số PCI tỉnh Lào Cai năm 2020. Quan tâm thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sớm đưa trung tâm phục vụ hành chính công đi vào hoạt động, phục vụ tốt nhất việc thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và kế hoạch, tập trung rà soát, hoàn thiện các quy hoạch, đề án trọng điểm đối với sự phát triển của tỉnh báo cáo trung ương xem xét, cho ý kiến. Đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ; sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, tập trung đầu mối, tự chủ tài chính hoặc khoán, cổ phần hóa. Cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển, nhất là hạ tầng phục vụ ngành du lịch, khu kinh tế cửa khẩu và sản xuất công nghiệp. Chủ động hợp tác với các đối tác trong nước và nước ngoài, liên vùng, liên khu vực để khai thác tốt cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển. Đồng thời, tích cực đề xuất trung ương có những chính sách lớn về phát triển hạ tầng, tháo gỡ “nút nghẽn” với phát triển như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 2, Cảng Hàng không Lào Cai, đường sắt khổ 1.435 mm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng...

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

VIẾT VINH (THỰC HIỆN)
 
Theo Viết Vinh/LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...