Hiệu quả bước đầu sau 5 tháng triển khai Nghị định 100 của Chính phủ
Sau 5 tháng kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về “Xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, đường sắt” chính thức có hiệu lực. Việc triển khai thực hiện quyết liệt của lực lượng chức năng, cùng khung hình phạt nghiêm khắc của Nghị định đã phát huy hiệu quả. Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, các tiêu chí về tai nạn giao thông giảm rõ rệt.Lực lượng cảnh sát giao thông ra quan kiểm tra phương tiện giao thông đường bộ trên tuyến đường Trần Hưng Đạo
Thực hiện Kế hoạch của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) về tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên toàn quốc từ ngày 15/5 - 14/6, những ngày qua, trên nhiều tuyến đường của thành phố Lào Cai, các tổ công tác của Công an tỉnh đã triển khai thực hiện việc tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường.
Tại các chốt kiểm tra, bằng cảm quan nghiệp vụ, lực lượng chức năng sẽ ra tín hiệu để dừng kiểm tra bất kỳ một phương tiện nào, tập trung vào các lỗi là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông; đặc biệt là lỗi vi phạm về nồng độ cồn... Với các quy định tại Nghị định số 100, trong đợt tổng kiểm tra này, nhiều trường hợp vi phạm các quy định về nồng độ cồn đã bị lực lượng chức năng phát hiện và ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền rất cao. Đây cũng chính là nguyên nhân mà trong 5 tháng qua, các tiêu chí về tai nạn giao thông giảm rõ rệt, qua đó tạo nên sự ủng hộ và niềm tin của đông đảo người dân.
Anh Hà Văn Công – người dân Phường Kim Tân, thành phố Lào Cai cho biết: “Nghị định 100 ra đời với mức xử phạt nặng đã khiến người dân chấp hành quy định về an toàn giao thông hơn, nhất là việc uống rượu bia khi tham gia giao thông, với chế tài mạnh thế này thì người dân mới nâng cao được ý thức về sử dụng các loại thức uống có nồng độ cồn”.
Có thể thấy, thành công lớn nhất từ khi Nghị định số 100 có hiệu lực chính là việc thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, sau thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người dân có phần thờ ơ và chủ quan hơn với việc tuân thủ các quy tắc an toàn giao thông. Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ trong 1 giờ đồng hồ, tại chốt kiểm tra, kiểm soát, Đội Cảnh sát giao thông số 7, Công an tỉnh đã phát hiện một số trường hợp người lái xe trong hơi thở có nồng độ cồn. Tuy nhiên việc xử lý các trường hợp vi phạm này khá khó khăn, đa số người vi phạm thiếu sự hợp tác với lực lượng chức năng.
Đại úy Hà Văn Hùng - Đội Cảnh sát giao thông số 7, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh chia sẻ: “Trong quá trình làm nhiệm vụ, chúng tôi thấy thường hành vi của người tham gia giao thông là quá khích, có những lời nói, hành động không chuẩn mực. Ngoài ra lực lượng thực hiện nhiệm vụ của chúng tôi mỏng vì vậy có một số trường hợp, các đối tượng tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh đâm thẳng xe vào lực lượng làm nhiệm vụ”.
Sau khi Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực, cùng với sự ra quân quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc xử lý các vi phạm về nồng độ cồn đã góp phần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, đặc biệt là ý thức “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” của đa số người dân đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực. Điều này thể hiện rõ ở tình hình vi phạm giao thông trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông (giảm 7 vụ so với cùng kỳ năm 2019), tổng số người chết là 16 người (tương đương so với cùng kỳ), tổng số người bị thương là 20 người (giảm 20 người).
Đại úy Trần Đăng Dũng - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: “Nghị định 100 ra đời với mức xử phạt rất cao, nhất là các hình thức xử phạt bổ sung, cùng với đó là lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường xử lý nên chiều hướng vi phạm có giảm. Tuy nhiên sau thời gian giãn cách xã hội thì người dân lại có sự chủ quan khi tham gia giao thông”.
Cùng với chế tài xử phạt đủ sức răn đe, chính quyết tâm, nỗ lực và sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, trong đó có Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 đã tạo nên tác động, hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần điều chỉnh nhận thức, hành vi của người dân khi tham gia giao thông.