Xuất khẩu vải thiều qua Cửa khẩu Kim Thành tăng 15% so với cùng kỳ

Những ngày này, Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Cửa khẩu Kim Thành) trở nên nhộn nhịp. Vẫn trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, nên mọi hoạt động được tuân thủ theo quy định của cả hai nước; tuy nhiên, xuất khẩu vải thiều đang dần thiết lập trạng thái bình thường mới.
Những chuyến vải đầu tiên xuất khẩu trong ngày.

7 giờ sáng, các lực lượng chức năng làm thủ tục xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh ở Cửa khẩu Kim Thành đã bắt đầu làm việc. Những chuyến vải thiều hoàn tất thủ tục thông quan từ chiều hôm trước đã chờ sẵn để xuất sang nước bạn Trung Quốc. Nếu như mọi năm, các lái xe chở vải được xuất nhập cảnh sang hai nước thì năm nay phương tiện sẽ đỗ ở khu vực quy định để các lái xe Trung Quốc đến đưa xe về nước mình bốc hàng và sau đó trả xe trở lại vị trí cũ.

Chị Hoàng Thuý Hồng, nhân viên Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Gia Bảo đã chuẩn bị đầy đủ thủ tục thông quan cho 20 xe chở vải thiều xuất khẩu của doanh nghiệp từ chiều 6/6. Sáng sớm nay, chị đã có mặt ở Cửa khẩu Kim Thành để được hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục và luồng đi cho phương tiện chở vải. Được biết, trung bình mỗi ngày Công ty Gia Bảo xuất gần 200 tấn vải thiều qua Cửa khẩu Kim Thành.

Chị Hoàng Thúy Hồng cho biết: Đã 15 năm xuất khẩu vải, đây là năm đầu tiên mùa xuất khẩu vải thiều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; xuất khẩu trong tình hình dịch bệnh, chúng tôi phải tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch nhưng về cơ bản mặt hàng quả vải thiều luôn được ngành chức năng ở Cửa khẩu Kim Thành tạo điều kiện thuận lợi nhất, được ưu tiên xuất khẩu trước các mặt hàng khác”.

Khu vực dành riêng cho phương tiện chở vải thiều xuất khẩu.

Chị Phan Thị Hằng, Công ty TNHH An Phát cũng chia sẻ những điều đặc biệt trong mùa xuất khẩu vải thiều năm 2020. Doanh nghiệp đã có nhiều năm xuất khẩu vải và một số mặt hàng khác. Đến nay, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Cửa khẩu Kim Thành được doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt vừa đảm bảo an toàn cho cả doanh nghiệp và cộng đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thực hiện đúng nguyên tắc phân luồng theo quy định của ngành chức năng tại cửa khẩu, không chen lấn hay dùng “mánh khóe” để được ưu tiên trước.

Chi cục Hải quan Cửa khẩu tạo điều kiện thông quan cho quả vải tươi.

Theo nhận định của các doanh nghiệp, năm 2020, việc tiêu thụ vải thiều khó khăn hơn, bởi doanh nghiệp Việt không trực tiếp sang chào hàng tại chợ biên giới, thương nhân Trung Quốc cũng không thể đến Việt Nam để thương lượng, tìm mua. Bởi vậy, hầu hết giao dịch thực hiện qua điện thoại, điều này gây ra một số hạn chế nhất định. Không ít doanh nghiệp đã giảm sản lượng xuất khẩu so với năm trước, thậm chí đánh mất bạn hàng vì dịch Covid-19. Cũng theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu vải, giá vải thiều rẻ hơn mọi năm do nhiều vùng của Trung Quốc đã trồng được vải thiều và thu hoạch cùng dịp này.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong thời gian qua, ngành chức năng tại Cửa khẩu Kim Thành đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi đối với xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu vải thiều nói riêng, nỗ lực thiết lập trạng thái bình thường mới trong suốt thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp. Lần đầu tiên, phân luồng cho từng ngành hàng xuất khẩu được Cửa khẩu Kim Thành chú trọng triển khai. Tại khu sân bãi tập kết hàng chờ xuất khẩu, luồng đi riêng dành cho các mặt hàng được dựng biển, quy định rõ ràng. Các phương tiện xuất khẩu thanh long, vải thiều, ván bóc, chuối, sắn phải đỗ đúng nơi quy định. Theo ông Hà Đức Thuận, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, phân luồng cho từng ngành hàng nhằm tránh ùn tắc và minh bạch trong quản lý phương tiện xuất khẩu của doanh nghiệp. Riêng với quả vải thiều hiện đang là mặt hàng nông sản xuất khẩu ưu tiên số 1. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cũng đã tính đến phương án ngày cao điểm xuất khẩu vải thiều sẽ bố trí các bãi đậu đỗ phương tiện đủ điều kiện phòng, chống dịch trước khi vào khu bãi chờ xuất khẩu, tránh ùn tắc, mất trật tự tại khu vực Cửa khẩu Kim Thành.

Sản lượng vải tươi xuất khẩu qua Cửa khẩu Kim Thành tăng 15% so với cùng kỳ.

Đến thời điểm này, đã có hơn 15 nghìn tấn vải thiều được xuất khẩu qua Cửa khẩu Kim Thành, kim ngạch đạt trên 8 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2019. Đây là tín hiệu vui đối với xuất khẩu vải thiều trong tình hình dịch bệnh.

Ông Vũ Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai cho biết: Về cơ bản, thủ tục thông quan vải thiều không có gì thay đổi. Vải thiều là mặt hàng nông sản thuộc luồng xanh, luồng ưu tiên xuất khẩu trước. Trong tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, thời gian thông quan có thể chậm hơn bình thường do thực hiện thêm nhiều quy định phòng, chống dịch; tuy nhiên, cơ quan hải quan vẫn đảm bảo thông quan vải thiều trong thời gian ngắn nhất.

Bước vào những ngày cao điểm xuất khẩu vải thiều, tỉnh Lào Cai đã đề xuất với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) kéo dài thời gian thông quan trong ngày tại cặp Cừa khẩu Kim Thành – Hà Khẩu đến 22 giờ đêm để quả vải thiều thuận lợi tiếp cận thị trường Trung Quốc. Lào Cai đã sớm triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho xuất khẩu vải thiều, khẳng định vai trò kết nối vùng trồng vải thiều Bắc Giang với thị trường tiềm năng Trung Quốc.

 

http://baolaocai.vn/kinh-te/xuat-khau-vai-thieu-qua-cua-khau-kim-thanh-tang-15-so-voi-cung-ky-z3n20200607154102258.htm

Theo Vân Thảo/LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...