Cá Phong Hải “bơi” đi khắp miền Bắc

Tận dụng những điều kiện thuận lợi về ao nuôi, nguồn nước, hàng trăm hộ ở thị trấn Nông trường Phong Hải (huyện Bảo Thắng) đã đầu tư nuôi cá thương phẩm, xuất bán khắp các tỉnh miền Bắc. Con cá đã góp phần mang lại thu nhập ổn định, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho người dân địa phương.

Nghề tranh thủ nhưng thu nhập cao

Giữa trưa hè, anh Phạm Văn Hợp, ở tổ 1, thị trấn Nông trường Phong Hải vội vã mang cám bổ sung vào chiếc máy bắn thức ăn cho cá. Tiếng máy kêu lạch cạch, những viên cám văng ra khắp mặt ao, đàn cá gồm đủ loại: trắm cỏ, chép, rô phi… ngoi lên nhung nhúc đớp thức ăn. Cái nắng chang chang khiến mồ hôi túa ra nhưng nhìn đàn cá, khuôn mặt anh Hợp ánh lên niềm vui vì tin tưởng một lứa cá thắng lợi. Anh Hợp tâm sự: Nuôi cá không chỉ mang lại thu nhập cao, ổn định mà còn là thú vui. Mỗi khi nhìn đàn cá tung tăng ngoi lên mặt nước, những mệt nhọc đều tan biến.

Nuôi cá mang lại thu nhập cao, ổn định, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn thị trấn Nông trường Phong Hải.

Theo anh Hợp, nghề nuôi cá quan trọng nhất là phán đoán được chất lượng nguồn nước để bổ sung ôxy và công việc này chỉ cần thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết là làm được. Nuôi cá là nghề tranh thủ nhưng mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình anh trong những năm qua.

Cách đây gần chục năm, gia đình ông Nguyễn Văn Hợp (thôn Khởi Khe, thị trấn Nông trường Phong Hải) chỉ có vài trăm m2 mặt nước ao. Mỗi năm, ông Hợp thả cá chép vào đó để lấy nguồn thực phẩm phục vụ cho gia đình. Tuy nhiên mấy năm gần đây, nhận thấy cá chép ít bị bệnh, lớn nhanh nên ông đã vay vốn để mở rộng diện tích ao nuôi. Hiện gia đình ông có hơn 1 ha mặt nước nuôi cá thương phẩm, đứng trong tốp đầu của thị trấn. Mỗi năm, gia đình ông thu hàng trăm triệu đồng từ bán cá. “Nuôi cá đúng là còn nhàn hơn nuôi lợn, gà… Việc mất thời gian nhất trong nuôi cá là sục ôxy và cho ăn nhưng giờ đây đều được tự động hóa”, ông Hợp cho biết.

Giữa tháng 5, hàng chục tấn cá chép của gia đình ông Nguyễn Văn Hợp đã được thương lái đặt mua hết. Nguyên do là thời điểm này giá thịt lợn cao, phần lớn người dân trong và ngoài tỉnh chuyển sang các loại thực phẩm khác, trong đó có cá. Khi cá đủ trọng lượng chỉ cần “alo” là có thương lái đến mua ngay. Giá bán phụ thuộc vào từng thời điểm nhưng luôn ổn định, dao động khoảng 37.000 - 40.000 đồng/kg cá chép.

Nhờ nuôi cá, hàng trăm hộ ở thị trấn Nông trường Phong Hải đã xây dựng được nhà cửa khang trang, kiên cố và có cuộc sống khá giả, ổn định.

Mang cá đi khắp miền Bắc

Thị trấn Nông trường Phong Hải có hơn 1.500 hộ, trong đó gần 700 hộ nuôi cá thương phẩm. Diện tích mặt nước nuôi cá thương phẩm của thị trấn đạt gần 140 ha, lớn nhất huyện Bảo Thắng. Năm 2019, sản lượng cá thương phẩm của thị trấn hơn 1.000 tấn, mang lại doanh thu 50 tỷ đồng. Các loại cá được nuôi chủ yếu gồm trắm, chép, rô phi..., trong đó cá chép chiếm tới 80%, cá rô phi khoảng 15%, còn lại là cá trắm và cá khác.

Không chỉ nuôi cá, người dân thị trấn Nông trường Phong Hải còn kiêm luôn nghề buôn cá. Trên địa bàn thị trấn có khoảng 20 thương lái thu mua cá của các hộ, sau đó vận chuyển đi thành phố Lào Cai và các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Lai Châu, Hà Giang, Hải Dương… tiêu thụ. Cuối năm 2019, thị trấn đã thành lập Hợp tác xã kinh doanh và sản xuất thủy sản Phong Hải với 15 hộ nuôi cá tham gia. Việc thành lập hợp tác xã giúp người dân chia sẻ kinh nghiệm, thống nhất việc chọn giống cá nuôi phù hợp, đặc biệt là các thành viên yên tâm hơn về đầu ra.

Ông Lê Xuân Cương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Phong Hải cho biết: Là địa phương nuôi cá lớn nhất huyện Bảo Thắng nên việc thành lập hợp tác xã kinh doanh và sản xuất thủy sản là tất yếu để đảm bảo lợi ích bền vững. Ví như trước đây, người dân thị trấn phải nhập cá giống từ các tỉnh dưới xuôi nhưng nay, hợp tác xã đã thành lập, các thành viên bắt đầu nghiên cứu, thử nghiệm việc ươm cá giống. Trong thời gian tới, hợp tác xã sẽ ươm giống cá với số lượng lớn để cung cấp cho các hộ nuôi, góp phần giảm giá thành đầu vào.

Giai đoạn 2020 - 2025, thị trấn Nông trường Phong Hải phấn đấu mở rộng diện tích nuôi cá lên 160 ha. Để đạt hiệu quả, giải pháp được xã đưa ra là thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân cải tạo ao nuôi, phòng, trừ các loại bệnh và ứng dụng tiến bộ khoa học trong nuôi cá… Với những gì đã và đang làm, cá thương phẩm của Phong Hải sẽ còn “bơi” xa hơn phạm vi miền Bắc, mang lại cuộc sống no ấm cho người dân nơi đây.

 

http://baolaocai.vn/kinh-te/ca-phong-hai-boi-di-khap-mien-bac-z3n20200603084605989.htm

Theo Tất Đạt/LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...