Nông dân Lào Cai vâng lời Bác dặn
Xác định học và làm theo Bác phải bằng hành động và việc làm cụ thể, thiết thực, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai sâu rộng nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của hội viên về nội dung này.
Hội Nông dân tỉnh hiện có 99.210 hội viên nông dân sinh hoạt tại 9 đơn vị hội nông dân huyện, thị xã và thành phố. Bà Trần Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để việc học tập và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, có tầm ảnh hưởng rộng rãi trong hội viên nông dân, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội chủ động thực hiện công tác tuyên truyền về nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, tổ hội, sinh hoạt chuyên đề, cán bộ, hội viên nông dân được tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng và lối sống bình dị của Người. Từ đó, việc học và làm theo Bác đối với hội viên, nông dân được thể hiện ngay trong đời sống hằng ngày và có sức thu hút, lan tỏa trong cộng đồng. Đó là việc tạo lập thói quen tiết kiệm trong sinh hoạt gia đình, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất - kinh doanh…
Anh Lý Láo Lở (đứng giữa) giới thiệu mô hình trồng cây dược liệu của gia đình. |
Theo bà Hằng, việc học Bác được các cấp hội lồng gắn với các phong trào thi đua như “Giúp đỡ nông dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo, đổi mới tư duy, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương”, “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”...
Trong công tác tuyên truyền, các cấp hội tăng cường đối thoại trực tiếp với hộ nông dân và tổ chức trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ với nhau. Các cấp hội cũng mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ dịch vụ về vật tư nông nghiệp, cung cấp giống, tín chấp cho nông dân vay vốn, xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Một trong những điển hình nông dân tích cực học và làm theo Bác là anh Lý Văn Tiên ở thôn Hải Khê, xã Bản Qua, huyện Bát Xát. Anh Tiên đã chuyển đổi diện tích hoa màu kém hiệu quả sang trồng dưa lưới theo chuẩn VietGAP. Vụ đầu tiên, khu nhà lưới rộng 1.200 m2 trồng dưa đã cho thu hoạch 3.000 quả (khoảng 4 tấn), trung bình mỗi quả nặng 1,3 kg, với giá bán trung bình 50 nghìn đồng/kg, anh lãi gần 100 triệu đồng. Việc làm nhà lưới và hệ thống tưới tiêu khoa học đã giúp anh chủ động được mùa vụ, đồng thời hạn chế rủi ro. Còn anh Lý Láo Lở, ở thôn Phìn Hồ, xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa) sưu tầm cây thất diệp nhất chi hoa và tam thất hoang về trồng trong vườn nhà. 3 năm gần đây, mỗi năm gia đình anh Lở thu hơn 30 triệu đồng từ các loại cây dược liệu này. Ngoài dược liệu, anh Lở cũng là hộ tiên phong trồng cây địa lan Trần Mộng ở xã Ngũ Chỉ Sơn, vườn lan của gia đình anh hiện có gần 400 chậu, mỗi năm xuất bán khoảng 50 chậu, thu về hơn 100 triệu đồng. Anh Lở còn chung vốn xây dựng bể nuôi cá nước lạnh, nguồn lãi hằng năm hơn 100 triệu đồng…
Bên cạnh đó, thực hiện lời dạy của Bác về phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục vận động hội viên, nông dân tích cực giúp đỡ nhau. Hộ khá, giàu giúp hộ nghèo thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, cho vay vốn, hỗ trợ vật tư, giống cây trồng, vật nuôi. Từ 2015 đến nay, hội viên, nông dân các cấp đã hướng dẫn, giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho gần 25 nghìn hộ nông dân, tạo việc làm cho gần 50 nghìn lượt lao động, qua đó giúp hơn 33 nghìn hộ thoát nghèo, 530 hộ nghèo vươn lên trở thành hộ sản xuất - kinh doanh giỏi. Tiêu biểu như hộ ông Giàng A Phổng ở thôn Bản Toòng, xã Thanh Bình (huyện Mường Khương); ông Má A Kỷ ở phường Sa Pả (thị xã Sa Pa); ông Chảo Duẩn Phin ở xã Nậm Chạc (huyện Bát Xát)…
Hưởng ứng phong trào thi đua “Nông dân Lào Cai chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cấp hội có nhiều hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và định hướng cho hội viên về vai trò chủ thể của mình theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” và nông dân là người hưởng thụ kết quả xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2015 - 2020, hội viên, nông dân trong tỉnh đã hiến 128 ha đất, đóng góp hơn 350 tỷ đồng và hơn 3 triệu ngày công làm mới, nâng cấp 593 km đường đến trung tâm xã, 2.476 km đường giao thông nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 88% hộ nông dân làm nhà tiêu và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, 71% hộ có chuồng nuôi gia súc đảm bảo quy cách, thực hiện nuôi nhốt gia súc và xây lắp hơn 3.700 hầm bể biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi...
Thời gian tới, thông qua các phong trào thi đua, hội nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, hội viên, nông dân; tiếp tục đưa nội dung học tập, làm theo Bác trở thành nền nếp trong hoạt động của hội nông dân từ tỉnh đến cơ sở, qua đó phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân tiêu biểu, những mô hình hay, những cách làm sáng tạo để nhân rộng.
http://baolaocai.vn/nong-thon-moi/nong-dan-lao-cai-vang-loi-bac-dan-z36n20200519083258599.htm