Những thanh niên Lào Cai làm giàu trên quê hương

Với việc triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Trung ương, của tỉnh, cùng với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiều thanh niên Lào Cai đã chủ động nghiên cứu, mạnh dạn triển khai các mô hình khởi nghiệp gắn liền với thế mạnh của địa phương, từng bước làm giàu trên quê hương vùng cao yêu dấu.

Mô hình nuôi cá nước lạnh của đoàn viên Lý Láo Tả (Xã Dền Sáng, huyện Bát Xát)

Ảnh: LCĐT

Xuất phát điểm tại vùng quê nghèo của huyện Bát Xát,  sau khi tốt nghiệp THPT, anh Lý Láo Tả, người Dao tại thôn Trung Chải, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát đã mạnh dạn vay 300 triệu đồng từ Ngân hàng để đầu tư xây ba bể nuôi cá với tổng diện tích hơn 200m2 và mua hơn 3000 con cá tầm, cá hồi về nuôi. Thời gian đầu mới nuôi, anh Tả gặp không ít khó khăn nhưng vừa nuôi, anh vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ các hộ dân trên địa bàn xã và ngoài huyện. Đồng thời anh tham gia các lớp tập huấn về về chăm sóc nuôi cá nước lạnh do Hội Nông dân huyện và các phòng ban chuyên môn tổ chức nên cá phát triển tốt. Sau hơn 1 năm nuôi, anh đã xuất bán được khoảng 4 tấn cá tầm, cá hồi và lãi 560 triệu đồng. Từ năm 2023 đến nay, anh Tả đã xuất bán trên 3 tấn cá, thu về trên 600 triệu đồng. Ngoài ra, để quảng bá thương hiệu cá nước lạnh của gia đình đến người tiêu dùng, anh Tả thường xuyên chụp ảnh cá để đăng lên mạng xã hội. Nhờ cách làm này, nhiều thương lái trong và ngoài huyện đã biết đến và đặt hàng thu mua.

Bằng những nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, anh Lý Láo Tả đã tham gia mô hình nuôi cá nước lạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Dự án sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ cây Đài Bi của đoàn viên An Văn Tuấn, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn

Tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, anh An Văn Tuấn không chỉ gắn bó với từng nhành cây, ngọn cỏ quê hương mà còn hiểu rõ tầm quan trọng của rừng và đa dạng sinh học. Đó cũng là lúc anh An Văn Tuấn nhận thấy, đất đồi xung quanh nơi mình ở có nhiều loài thực vật, dược liệu quý có thể chế biến và thương mại hóa như sả đỏ, màng tang, đài bi,… Giữa lúc lăn tăn tìm con đường lập nghiệp, anh biết tỉnh có chủ trương, chính sách “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn  2017-2020, định hướng đến năm 2025”. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp về thủ tục hành chính, thuế, tiếp cận đất đai thuận lợi, tiếp cận vốn vay ưu đãi và phát triển thị trường. Chàng kỹ sư trẻ đã tập hợp 06 đoàn viên thanh niên Chi đoàn thôn Ken 1 mạnh dạn vay vốn, thành lập Hợp tác xã Thế Tuấn do anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị để thu gom cây dược liệu tự nhiên sẵn có trên địa bàn cho việc sản xuất, kinh doanh tinh dầu. Cuối năm 2019, Hợp tác xã đã gây dựng xong nhà xưởng,lò đốt và nồi ép để trưng cất tinh dầu. Đầu năm 2020, Hợp tác xã cho ra mắt 3 sản phẩm chính là tinh dầu sả Java, tinh dầu đài bi và tinh dầu màng tang, canh tác hoàn toàn theo phương thức hữu cơ với sản lượng trên 10.000 lít tinh dầu/tháng, thu lãi hàng tỷ đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho trên 20 lao động địa phương.

Mô hình sản xuất trà Shan tuyết cổ thụ của đoàn viên Lý Văn Minh- xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà

Chè cổ thụ

Sau khi tốt nghiệp đại học Nông lâm Thái Nguyên, Lý Văn Minh luôn khao khát lập nghiệp tại quê hương. Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, anh nhận thấy chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm là tài sản quý, cần được khai thác, nâng cao giá trị. Năm 2021, Minh cùng 07 thanh niên đầu tư 700 triệu đồng thành lập Hợp tác xã sản xuất, tạo ra sản phẩm mang thương hiệu “Trà Shan tuyết cổ thụ Tả Củ Tỷ”.

Để tạo ra được sản phẩm chè chất lượng nhất, hương vị đặc trưng riêng của cây chè Tả Củ Tỷ, Minh đã xây dựng quy chuẩn kỹ thuật chuyển giao cho người dân chăm sóc chè, đưa ra công thức hái đảm bảo chất lượng và được phân loại cẩn thận  trước khi chế biến, áp dụng cách chăm sóc chè cổ thụ hoàn toàn hữu cơ để nâng cao giá trị. ĐỒng thời sao chè bằng phương pháp thủ công giúp chè vẫn giữ nguyên được hương vị tự nhiên. Minh cho biết: Trà cổ thụ Tuyết Shan sau khi sao khô được bán ra thị trường được chia thành loại hảo hạng bạch trà giá bán 5,2 triệu/kg; loại bình thường bán 520 nghìn đồng/kg. Doanh thu mỗi năm của hợp tác xã hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 20%. Hiện nay, các hộ dân liên kết với hợp tác xã đã chăm sóc chè cổ thụ theo hướng hữu cơ, không phun thuốc hay dùng phân bón hóa học. Nhiều hộ thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng/năm từ chè.

Mô hình trồng Lê tai nung của đoàn viên Thào Seo Lìn- xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương

Anh Thảo Seo Lìn nhận thấy quê hương mình  người dân hầu hết có kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng phương thức sản xuất vẫn còn lạc hậu. Tốt nghiệp THPT, anh thi vào khoa Nông – Lâm – Ngư, trở thành sinh viên Đại học Hùng Vương. Năm 2018, anh trở về quê hương Tả Ngài Chồ để khởi nghiệp bằng chính lĩnh vực nông nghiệp đầy may rủi. Diện tích đất sản xuất của gia đình anh Lìn tương đối rộng, thế nhưng nhiều đời nay chỉ trồng ngô, lúa nương, ruộng thì cấy lúa nước để đảm bảo lương thực. Với kỹ thuật canh tác truyền thống, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, mỗi năm sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ ngô nên hiệu quả kinh tế không cao. Với kiến thức đã học ở trường và kinh nghiệm đi tham quan, học hỏi nhiều nơi, anh quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất nông nghiệp của gia đình. Thay vì mỗi năm sản xuất 1 vụ ngô, 1 vụ lúa hay trồng những cây ngắn ngày như tam giác mạch, các loại đậu, ớt, rau củ, anh mạnh dạn đầu tư trồng Lê Tai nung (VH6), quýt và hoa anh đào. Vườn lê được gia đình cắt, tỉa, uốn, vin cành tạo tán theo đúng kỹ thuật, đến khi ra quả thì tỉa thưa, bọc quả để bảo vệ trước sự tấn công của nhiều loại côn trùng. Sau hơn 3 năm chăm sóc, tính đến thời điểm này, gia đình anh đã có gần 2000 gốc lê với diện tích gần 3ha. Do được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, gần 1000 gốc lê của nhà anh Thào Seo Lìn đã cho thu hoạch vụ đầu tiên, quả nào cũng to, mã đẹp, mọng nước.Mùa vụ năm đầu tiên, sau khi trừ tất cả chi phí gia đình đã thu về gần 50 triệu đồng.

Ngoài phát triển cây lê, gia đình anh còn mạnh dạn  trồng quýt, hoa anh đào với dự định vừa phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái. Để nâng cao chất lượng cuộc sống,hàng năm gia đình anh còn chăn nuôi  từ 20 đến 30 con lợn thịt với tổng nguồn thu nhập ổn định từ 80 đến 100 triệu đồng mỗi năm.

Nhờ có thu nhập ổn định, gia đình anh đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, đời sống ngày càng được no đủ.

Mô hình sản xuất và chế biến Trà hoa bưởi của chị Hoàng Thị Hoàn- Bí thư đoàn xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng

Trà bưởi Múc

Năm 2017, chị chị Hoàng Thị Hoàn- Bí thư đoàn xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng tham gia Hợp tác xã Bưởi Múc xã Thái Niên. Hợp tác xã ban đầu chỉ tập trung vào chăm sóc và phát triển sản phẩm quả tươi với sản lượng bình quân  500 nghìn với 700 nghìn mỗi năm, giá bán trung bình 15.000-40.000 đồng/quả. Nhận thấy có thể tận dụng những quả bưởi non người dân tỉa thưa để làm trà, chị Hoàn đã bàn với các thành viên trong hợp tác xã thu mua bưởi non lại từ người dân. Cuối năm 2023, sản phẩm  Trà bưởi múc đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, hợp tác xã Bưởi Múc xã Thái Niên đã đầu tư thiết bị chế biến Trà bưởi Múc theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn với người sử dụng, sản lượng đạt hơn 2 tấn/năm,, phục vụ người tiêu dùng tại nhiều tỉnh, thành phố như Lào Cai, Hà Nội, Ninh Bình, thành phố Hồ Chí Minh,…

Với những đóng góp của mình, năm 2023, chị Hoàng Thị Hoàn đã vinh dự là 1 trong 42 thanh niên tiêu biểu trong cả nước nhận giải thưởng Lương Định Của- giải thưởng do Trung ương Đoàn triển khai nhằm biểu dương, khen thưởng những thanh niên nông thôn tiêu biểu trong khởi nghiệp, lập nghiệp.

 

Thu Hương

Tin Liên Quan

"Đầu tàu" ở Chiềng 1

Năm 2000, ông Hà Văn Tới được bầu làm Trưởng thôn Chiềng 1. Từ đó, ông không ngừng phấn đấu, tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Đến năm 2006, được sự tin tưởng...

Bảo Thắng biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 28/8, UBND huyện Bảo Thắng tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2024.

Bí thư chi bộ nhiệt huyết trong xây dựng nông thôn mới

Ông Giàng Lao Sáng, 40 tuổi, dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ thôn Sín Hồ Sán, xã Sán Chải (Si Ma Cai) luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc của thôn và được đảng viên, người dân trong thôn tín nhiệm, quý mến.

Phụ nữ vùng cao Lào Cai mạnh dạn khởi nghiệp

Tại Cuộc thi Thách thức sáng kiến kinh doanh, phụ nữ Lào Cai đã tự tin giới thiệu những sáng kiến khởi nghiệp và được Ban Giám khảo đánh giá cao về sự sáng tạo, tính khả thi và tiềm năng tác động đến cộng đồng. Những phụ nữ vùng cao Lào Cai đã mạnh dạn khởi nghiệp kinh doanh, thực hiện ước mơ của...

Nông dân “quên” ngày Quốc tế Lao động

Không nghỉ ngơi hay đi tham quan, du lịch trong ngày Quốc tế Lao động (1/5), nông dân vẫn miệt mài lao động sản xuất trên những cánh đồng với mong muốn có vụ mùa bội thu.

Đảng viên trẻ xây dựng cáp treo nơi cao nhất Phìn Ngan