Tạo động lực mới cho các hợp tác xã nông nghiệp

Sản xuất có kế hoạch, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, quảng cáo tìm đầu ra hiệu quả… Đó là những kết quả sau hơn 1 năm thực hiện mô hình thí điểm đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn tại các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

HTX Trọng Tín (thành phố Lào Cai) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với sản phẩm chủ lực là dưa vân lưới. Năm 2017, khi bắt tay vào sản xuất, HTX gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật trồng và chăm sóc vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Những vụ dưa đầu, HTX đều thua lỗ vì mẫu mã và chất lượng quả không đảm bảo. Có thời điểm dưa chín đồng loạt nên không tiêu thụ kịp, giá bán thấp, doanh thu không bù được chi phí sản xuất.

 

Trí thức trẻ Phạm Quang Thịnh giúp HTX Trọng Tín sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Năm 2019, nhờ nguồn hỗ trợ của tỉnh, HTX đã tuyển được 1 kỹ sư nông nghiệp chuyên ngành trồng trọt về làm việc. Anh Lã Minh Quang, Giám đốc HTX Trọng Tín chia sẻ: Từ khi có kỹ sư phụ trách kỹ thuật, việc trồng dưa lưới của HTX có sự thay đổi. Trước đây, dưa được trồng dưới đất còn nay được trồng trên giá thể, nhờ đó hạn chế sâu bệnh và sự lây lan sâu bệnh. Dưa được trồng gối lứa. Mỗi khu trồng dưa đều có nhật ký theo dõi từ khi gieo hạt, bón phân, đến thời điểm ra hoa, dự tính thời gian thu hoạch để có kế hoạch liên hệ với kênh phân phối chủ động đầu ra. Ngoài ra, nhờ có kỹ sư hướng dẫn chăm sóc đúng kỹ thuật, điều chỉnh được chế độ dinh dưỡng nên quả có độ ngọt cao, mẫu mã đẹp, được thị trường ưa chuộng.

Kỹ sư nông nghiệp Phạm Quang Thịnh, trí thức trẻ được tuyển dụng làm việc tại HTX Trọng Tín cho biết: Sau khi ra trường, tôi đã làm nhiều công việc không đúng chuyên ngành được đào tạo. Khi được tuyển dụng vào HTX, tôi được làm công việc mà mình yêu thích và phát huy những kiến thức đã học. Sản xuất nông nghiệp hiện nay theo xu hướng thị trường nên ngoài những kỹ thuật căn bản, tôi tham mưu với HTX để có hướng sản xuất phù hợp, tạo ra những sản phẩm chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Được biết, ngoài mức lương theo hỗ trợ của tỉnh, anh Thịnh còn được hưởng phần trăm lợi nhuận từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. Đây cũng là động lực để anh yên tâm làm việc.

Tương tự, tại HTX Tiên Phong Mường Vi (huyện Bát Xát), đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp như gạo Séng Cù, gạo lứt Séng cù, giấm táo mèo, tương ớt… Trước đây, do kinh phí hạn hẹp nên HTX chỉ thuê kế toán làm ngoài giờ, chủ yếu phụ trách việc làm báo cáo theo định kỳ. Các thành viên của HTX không chỉ điều hành, quản lý mà còn kiêm luôn tính toán việc thu, chi, cân đối giá thành, theo dõi công nợ... Vì kiêm nhiều việc và không có chuyên môn, thiếu kỹ năng tin học nên các thành viên HTX rất vất vả.

Anh Cao Xuân Diễn, Giám đốc HTX Tiên Phong Mường Vi cho biết: Từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, HTX đã tuyển dụng được 1 cử nhân chuyên ngành kế toán về làm việc. Không chỉ làm tốt công việc chuyên môn, cán bộ kế toán còn giúp HTX xây dựng kế hoạch kinh doanh, xúc tiến thương mại, soạn thảo hợp đồng… Từ đó hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX thuận lợi hơn nhiều, minh chứng là doanh thu năm 2019 tăng gần 500 triệu đồng so với năm 2018.

Toàn tỉnh hiện có hơn 100 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh), nhiều HTX nông nghiệp đã tích cực đổi mới phương thức sản xuất, chú trọng đầu tư chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, đa số HTX thiếu nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn cùng tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX chưa cao.

Thực hiện Kế hoạch số 244 ngày 15/8/2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện mô hình thí điểm đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lựa chọn 5 HTX nông nghiệp tham gia mô hình thí điểm. Theo đó, mỗi HTX được hỗ trợ thuê 1 lao động có trình độ đại học, chuyên môn phù hợp với lĩnh vực hoạt động. Việc tuyển dụng nhân sự được giao cho HTX chủ động thực hiện, ưu tiên lao động tại địa phương và con em của thành viên, góp phần tạo nguồn nhân lực gắn bó lâu dài với HTX. Mức hỗ trợ cho mỗi lao động bằng mức lương tối thiểu vùng, thực hiện tối đa 36 tháng.

Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm cho thấy, các trí thức trẻ đã giúp các HTX bước đầu đổi mới công tác quản lý, việc lưu trữ hồ sơ và sổ sách, báo cáo tài chính đảm bảo đúng theo quy định. Kết quả sản xuất, kinh doanh đều tăng so với thời điểm chưa thực hiện thí điểm. Đơn cử như doanh thu của HTX công nghệ cao Gia Phú (huyện Bảo Thắng) năm 2019 tăng 200 triệu đồng so với năm 2018; HTX Trọng Tín (thành phố Lào Cai) ban đầu có 1.200 m2 dưa lưới, nay tăng lên 4.000 m2 và doanh thu năm 2019 của HTX tăng hơn 200 triệu đồng so với năm 2018…

Ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Dựa trên kết quả đã đạt được, năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  tiếp tục nhân rộng mô hình thí điểm tại 10 HTX nông nghiệp khác. Trong đó tập trung vào các HTX nông nghiệp có nhiều thành viên, có vùng sản xuất hàng hóa tập trung và có hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với thành viên HTX và hộ nông dân.

Thời gian tới, các HTX nông nghiệp cần chủ động thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Cùng với đó, chính quyền các địa phương cần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện để mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo động lực mới cho các HTX nông nghiệp phát triển bền vững.

 

http://baolaocai.vn/kinh-te/tao-dong-luc-moi-cho-cac-hop-tac-xa-nong-nghiep-z3n20200505165344531.htm

Theo Kim Thoa/LCĐT

Tin Liên Quan

Cảnh giác với lừa đảo kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Ngày 16/9, Sở Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 1256 /STTTT-TTBCXB về cảnh giác với lừa đảo trên mạng xã hội kêu gọi ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

Phát sóng di động tại 100% xã trên địa bàn toàn tỉnh

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, các khu vực trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng thiệt hại cả về người, tài sản, công trình công cộng, trong đó có công trình hạ tầng viễn thông (cột, nhà trạm, tuyến truyền dẫn) trên địa bàn tỉnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Miễn thu phí đường bộ đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa cứu trợ thiệt hại do bão Yagi

Theo đề nghị của Cục đường bộ Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa hỗ trợ thiệt hại do cơn bão số 3 khi đi qua các trạm thu phí đối với 4 dự án đường cao tốc đang khai thác...

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong khảo sát khu tái định cư cho các hộ dân thôn Kho Vàng

Chiều 15/9, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đi khảo sát thực địa vị trí, phương án xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà) và nơi tạm lánh trên núi của 17 hộ dân với 115...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai về công tác khắc phục hậu quả do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra

Chiều 12/9, sau khi thị sát hiện trường sạt lở đất tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai về công tác khắc phục hậu quả do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cấp ngay 150 tỷ đồng cho tỉnh Lào Cai để khắc phục hậu quả mưa lũ

Như Báo Lào Cai đã đưa tin, chiều 12/9, sau khi thị sát hiện trường sạt lở đất tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với tỉnh Lào Cai về công tác khắc phục hậu quả do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra.