Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, có diện tích tự nhiên đứng thứ 19/63 tỉnh, thành trong cả nước; dân số 730.420 người, gồm 25 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 66,2% dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động vùng dân tộc thiểu số được chú trọng. Trong 5 năm qua, đã triển khai hơn 5.042 dự án vay vốn, với gần 219,5 tỷ đồng; tạo việc làm cho 77.670 người, trong đó có 47.500 lao động là người dân tộc thiểu số, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Học sinh phổ thông nội trú tiếp cận thông tin báo chí.
Công tác xóa đói, giảm nghèo có chuyển biến rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 3% - 5%/năm; năm 2019, toàn tỉnh còn hơn 19.708 hộ nghèo (chiếm 11,46%).
Công tác giáo dục, đào tạo có bước phát triển, trung bình mỗi năm huy động hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ sự nghiệp giáo dục. Toàn tỉnh hiện có 9/9 trường phổ thông dân tộc nội trú có cấp trung học phổ thông, 128 trường phổ thông dân tộc bán trú với 2.064 lớp, 47.366 học sinh. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú đã trở thành nòng cốt của giáo dục dân tộc, giáo dục vùng cao. Giai đoạn 2016 - 2020, đã quy hoạch trên 1.230 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 128 người dân tộc thiểu số; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số chiếm gần 30%.
Chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được nâng cao; hệ thống y tế được củng cố, phát triển từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 4.835 cán bộ y tế, trong đó có 212/857 bác sỹ là người dân tộc thiểu số, đạt 11,6 bác sỹ/vạn dân. Đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng bào nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí. Các dịch bệnh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi như sốt rét, bướu cổ... cơ bản được khống chế, giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng.
Trong 5 năm qua, Lào Cai được bố trí nguồn lực để thực hiện các chương trình, chính sách của Trung ương đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đã làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Chỉ tính riêng Chương trình 135, giai đoạn 2014-2018, tỉnh đã được bố trí gần 877,7 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng (xây dựng mới 1.237 công trình, gồm: 617 công trình đường giao thông, 204 công trình trường học, 59 công trình thủy lợi, 40 công trình điện sinh hoạt nông thôn, 48 công trình nước sinh hoạt, 191 công trình nhà văn hóa...) và hỗ trợ phát triển sản xuất.
Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân tộc: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao mức sống cho đồng bào các dân tộc; thực hiện đồng bộ, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực, chương trình, chính sách, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại vùng dân tộc và miền núi, trong đó tập trung và chủ động triển khai thực hiện các chính sách; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển; rút ngắn khoảng cách về mức sống giữa vùng nông thôn và thành thị; giữa các dân tộc trên địa bàn. Ưu tiên bố trí ngân sách, xây dựng và triển khai đề án tập trung cho những thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tập trung sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc./.