Người Mông xanh giữ nghề truyền thống

Ngược con dốc khấp khểnh và chênh vênh hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi lên thôn Tu Thượng, xã Nậm Xé (Văn Bàn), nơi duy nhất ở nước ta có tộc người Mông xanh sinh sống. Từ chân dốc Tu Thượng nhìn lên, những ngôi nhà gỗ nằm cheo leo sườn núi, bên hiên treo đầy những bắp ngô vàng óng. Bước vào trong nhà, những bao thóc vừa thu hoạch xếp đầy gian, in dấu một mùa no đủ hiện hữu.

Lớp sương mù buổi sớm tan ra, những tia nắng vàng hiếm hoi bắt đầu luồn qua mây chiếu xuống Tu Thượng. Trên bờ rào, mấy chiếc váy chàm đen được đem ra phơi để chuẩn bị cho các cô gái diện trong ngày Tết. Ở phiến đá to đầu bản, nghệ nhân Lý Thị Sai cùng cháu gái Vàng Thị Nam ôm từng bó lanh ra phơi nắng. Đây là nguyên liệu để dệt nên những tấm vải chàm may thành bộ quần áo đẹp trong dịp lễ, Tết của người Mông xanh. Dệt vải se lanh là nghề truyền thống của người Mông đã nhiều đời, bà Lý Thị Sai là một trong số những người già hiếm hoi còn biết hết các công đoạn làm nghề.

Bà Lý Thị Sai dạy cháu se lanh.

Ôm bó lanh khô vào nhà, bà Sai chỉ cho cháu gái cách tước lanh, nối chỉ. Bà Sai nhớ lại: Thời của bà, những bé gái 12, 13 tuổi đều được mẹ dạy cách se lanh, dệt vải. Phụ nữ không chỉ dệt vải may áo cho mình, mà còn may cho bố, cho anh, em và các thành viên nam khác trong nhà.

Từ sợi lanh để may thành chiếc áo có khi phải mất cả năm, trải qua nhiều công đoạn. Thế nên, dệt vải, may áo trở thành tiêu chí để đánh giá tài năng, phẩm chất và cách chăm sóc gia đình của phụ nữ Mông xanh. Bởi vậy, hình ảnh cô gái Mông dệt vải, se lanh đã xuất hiện trong câu hát dân ca: “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/Gái xinh chưa biết cầm kim là hư”. Để trở thành những cô gái xinh đẹp và ngoan ngoãn, các cô gái Mông xanh đều phải học cách se lanh, dệt vải, đặc biệt là tự khâu cho mình những chiếc váy, áo diện ngày Tết.

Bên khung cửi đã có trong nhà hơn 30 năm, bà Sai vừa ngân nga khúc dân ca của người Mông xanh, vừa thoăn thoắt dệt vải. Kết thúc bài hát bà dệt được một đoạn vải dài. Bà trăn trở: Thanh niên bây giờ ít người mặc trang phục truyền thống. Các cháu có điều kiện mua nhiều quần áo đẹp may sẵn, chỉ ngày lễ, tết mới mang bộ đồ truyền thống ra diện. Bà nói tiếp: Nhưng may quá, cháu Nam thích dệt, mỗi lần đi học về, cháu đều qua nhà bà để xem bà dệt vải, rồi tập nối chỉ, tước lanh. Tôi sẽ dạy lại cho cháu những gì tôi biết để nghề truyền thống của dân tộc mình không bị mai một.

Se lanh, dệt vải là nghề truyền thống của phụ nữ người Mông xanh ở Tu thượng.

Hiểu được ý nghĩa của việc lưu giữ nghề truyền thống nên nhiều người trẻ ở bản Mông xanh cũng đang tập để biết cách se lanh, dệt vải. Đặc biệt, các ngày lễ, tết những người trẻ lại quây quần tại một khoảng sân rộng của thôn, nữ học thêu, nam học múa khèn, chơi quay… Giúp bà tước lanh, cô bé Vàng Thị Nam tâm sự: Trường học cách nhà em hơn 20 km, nhưng cuối tuần nào em cũng về nhà và sang học bà dệt vải. Từ nhỏ em đã thích nhìn bà dệt vải, tập nối chỉ giúp bà. Trang phục của dân tộc em rất đặc sắc, nên em đã học cách may áo từ bà để Tết này có thể mặc một bộ trang phục truyền thống được dệt từ chính đôi tay của mình.

Chiều buông xuống, chúng tôi xuống núi với niềm tin, rằng những thế hệ trẻ người Mông xanh hôm nay sẽ giữ được nghề dệt truyền thống, tiếp thế hệ trước, lưu giữ những tinh túy của dân tộc mình.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...