Lễ hội Roóng poọc của người Giáy ở Tả Van
Roóng Poọc, hay còn gọi hội xuống đồng người Giáy xã Tả Van, huyện Sa Pa là lễ hội lớn nhất trong năm mang ý nghĩa cầu mùa và hàm chứa đậm đặc yếu tố tín ngưỡng nông nghiệp.Lễ hội ra đời và tồn tại cùng với cuộc sống của đồng bào từ rất lâu. Người Giáy quan niệm Trời cao nhất, trời sinh ra vạn vật: Thần tiên, loài người, cỏ cây hoa lá. “Tiên” cũng ở trên trời, “tiên” chủ yếu làm ra điều tốt, điều thơ mộng. “Thần” thì ở trần gian, trực tiếp làm những điều lành, điều dữ, hoặc tốt, xấu. Do đó, lễ trong hội Roóng Poọc là cúng trời, cúng tiên và thần thánh, cầu mong sự che chở từ phía các đấng thần linh cho loài người bé nhỏ...
Rước mâm lễ trong lễ hội Roóng Poọc.
Địa điểm lễ hội diễn ra tại khu ruộng đầu thôn, ngay ven suối Mường Hoa và vào ngày Thìn tháng Giêng nhằm mục đích thờ thần thổ địa, thần sông, thần suối, cầu cho con người bình yên, ốm không có, đau không về, ngô lúa tốt tươi, gia cầm mau lớn… với ước muốn cuộc sống cả năm no đủ. Các nghi lễ dựng cột nêu, kéo co, ném còn, thi trâu cày đều mang tính biểu tượng phồn thực, âm dương điều hòa. Sau khi chủ lễ thực hiện các thủ tục hành lễ với thần linh, việc ném còn sẽ được diễn ra với mục đích làm thủng vòng mặt trăng, mặt trời trên ngọn cây nêu, mong cho cả năm làng làm ăn phát triển.
Sau phần lễ là một loạt các hoạt động trò chơi như kéo co, đẩy gậy, đi cầu khỉ, bịt mắt bắt dê,... Đối với người Giáy, kéo co còn được gọi là kéo mây, một hình thức không thể thiếu trong lễ hội. Để tổ chức trò này người ta dùng dây mây hoặc dây song, dài khoảng 20 - 30m. Khi kéo, đầu gốc của dây mây hướng về phía đông, đầu ngọn hướng về phía tây. Sau các phần trò chơi, trên mảnh ruộng cạnh khu vực cây nêu, dân làng đem hai con trâu to khoẻ để cày khoảng ba đến năm đường tượng trưng cho việc bắt đầu một vụ mùa mới.
Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy xã Tả Van phản ánh những ước nguyện về một cuộc sống dân an vật thịnh. Trong toàn bộ diễn trình nghi lễ và các trò chơi luôn gắn với ước nguyện cầu mong thánh thần phù hộ. Từ cách thức chọn thiếu nữ chưa chồng làm quả còn, hay việc chủ làng làm vòng nhật nguyệt treo trên đỉnh cây nêu cho đến các hình thức tế lễ, đánh trống, thổi kèn, múa hát...luôn xuyên suốt các hoạt động, mong thánh thần về dự hội được vui, có vui thì mới ban phát nhiều điều tốt cho dân.
Quả còn tượng trưng cho nam tính, ném vào phông còn, phá vỡ phông còn, biểu tượng của sự âm dương hòa hợp thì năm ấy sẽ được mùa. Khi ném trúng phông còn, ông chủ làng tung hạt giống với ý niệm đó là những hạt thiêng, chứa năng lượng thiêng và yếu tố sinh sản mạnh. Đó là biểu tượng trao truyền sự linh thiêng sang hạt giống, nhằm ban phát sự thiêng liêng ấy cho dân làng cùng hưởng một mùa màng bội thu mới.
Cây còn còn là biểu tượng của cây lúa thiêng, cây vũ trụ nối đất với trời, nối âm với dương để mọi thứ giao hòa. Cũng với ý niệm đó, khi dựng cây nêu, ngọn cây phải được quay theo hướng đông, hướng của sự bắt đầu, hướng của mọi sinh sôi, nảy nở.
Dấu vết cầu mưa phản ánh khá đậm nét trong lễ hội Roóng Poọc, chính vì thế mà khi làm vòng nhật nguyệt, người ta dán giấy màu vàng hình con rồng với ý nghĩa đảm bảo mưa thuận gió hòa. Nước dùng để cúng thần trong ngày hội phải được lấy từ nguồn nước thiêng, nguồn nước tinh khiết chảy mãi không cạn, như lộc mà thánh thần ban cho dân làng không bao giờ hết.
Lễ hội Roóng Poọc là nơi hội tụ nhiều sinh hoạt biểu diễn: trống, chiêng, hát dân ca giao duyên đặc sắc của người Giáy. Đội nhạc đón rước mâm lễ hòa theo nhịp cúng bằng tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn, tiếng nạo bạt – từ đó những lời cúng trở nên linh thiêng hơn. Những phương thức biểu cảm trong lễ hội xuống đồng như chất chứa bể trầm tích các lớp tín ngưỡng văn hóa, là sinh hoạt cộng đồng đặc sắc nhất của người Giáy ở Tả Van xưa nay.
Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là lễ hội đã trở thành sản phẩm du lịch có thương hiệu trong lòng du khách mỗi dịp du xuân đầu năm mới./.