Tâm huyết với văn hóa dân tộc Dao
Đã 3 năm nay, người dân thôn Nậm Dạng, xã Nậm Dạng (Văn Bàn) không còn được nghe tiếng đọc bài của những học trò người Dao vang lên từ căn nhà gỗ. Bởi, “thầy giáo” Triệu Nguyên Minh (Triệu Ồng Nhất) đã ở tuổi xưa nay hiếm, mắt mờ chân chậm, dù vẫn tâm huyết, nhưng thầy đành lỗi hẹn với những học trò khát khao học chữ Nôm Dao.Ngày cuối năm, trời rét như “cắt da cắt thịt”, tận dụng chút nắng sớm, vừa sưởi ấm, thầy Triệu Nguyên Minh vừa đọc từng từ trong cuốn sách cúng của người Dao. Đây là công việc quen thuộc đã 3 năm nay của ông Minh, kể từ khi không làm “thầy giáo”. Thấy ông say sưa đọc sách, tôi không dám làm phiền, đợi đến khi ông dừng lại, tôi mới bắt đầu câu chuyện.
Nghệ nhân Triệu Nguyên Minh dạy học trò viết chữ Nôm Dao. |
Trước khi gặp ông, tôi đã từng đọc hồ sơ của ông đề nghị Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, nhưng không thể tin được, một lão ông với họ, tên đặc người Dao lại là người Kinh. Ông Minh tâm sự: Tôi sinh ra ở Thái Bình, do nạn đói năm 1945, tôi được đưa lên làm con nuôi trong gia đình người Dao ở Nậm Dạng. Bố tôi là Triệu Phúc Thắng không biết chữ Dao, vì vậy ngay từ bé, ông thường xuyên động viên tôi theo học chữ và các bài cúng của người Dao để phục vụ gia đình, làng xóm và truyền dạy cho con cháu. Lúc này, ở xã có một số thầy cúng nhưng không truyền dạy chữ Dao. Năm 1951, tôi được gia đình đưa sang xã Dần Thàng (Văn Bàn) để học chữ từ thầy Triệu Hữu Phấu trong 2 tháng. Từ năm 1962 - 1964, tôi tiếp tục học các bài cúng từ thầy Phùng Xuân Huyện, Triệu Phúc Ván ở xã Nậm Dạng; thầy Hoàng Quý Tiến ở xã Khánh Yên Thượng. Dần dần, tôi tinh thông các sách và thuộc lòng các bài cúng, bài hát truyền thống của dân tộc Dao và bắt đầu thực hành các bài cúng đơn giản, như cúng tổ tiên, cúng thanh minh, Rằm tháng Bảy, Tết Nguyên đán... Trong cuộc sống thường nhật, tôi cũng được quan sát, tham dự các phong tục, tập quán của dân tộc Dao như cưới xin, ma chay, lễ hội, các bài hát, điệu múa và các tri thức dân gian trong lao động sản xuất, kinh nghiệm làm nhà ở, các bài thuốc chữa bệnh...
Là người có uy tín trong cộng đồng, tuy học chữ, học các bài cúng của người Dao, nhưng ông luôn vận động mọi người không mê tín dị đoan, khi có người ốm đau phải đưa đi khám - chữa bệnh ở các cơ sở y tế. Thấy trong xã thiếu thầy thuốc để phục vụ người dân, ông Minh chủ động xin đi học ngành y, được sự nhất trí của chính quyền địa phương, từ năm 1965 đến năm 1967, ông đi học lớp y tá tại tỉnh Yên Bái. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về làm y tá, rồi Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Dạng, đến năm 1988, ông nghỉ chế độ.
Trong quá trình tham gia công tác, không có nhiều thời gian để thực hành các bài cúng, bài hát, tuy nhiên, ông thường xuyên mày mò tự học, luyện đọc, luyện viết để không quên chữ viết và các bài cúng của người Dao với mong muốn truyền lại chữ viết và các bài cúng cho con cháu về sau. Nhận thấy chữ viết của người Dao có nguy cơ mai một, trong xã và các địa phương lân cận không có người truyền dạy chữ cho con cháu. Trong khi đó, theo quy định của người Dao, không được mở lớp dạy học nếu chưa được thầy truyền lại cách dạy học. Vì vậy, vào năm 1990, ông đi cầu thầy Triệu Dâng Vượng ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng truyền cách dạy học. Khi thầy Vượng truyền cho dạy chữ, đến cuối năm 1990, ông Minh bắt đầu mở lớp dạy chữ Dao cho con cháu trong xã với thời gian hơn một tháng, lúc này có 45 học trò. Từ năm 2005 - 2016, ông tiếp tục mở thêm 9 lớp học, có 254 học trò đến từ các xã như Thẩm Dương, Dần Thàng, Nậm Tha, Nậm Dạng, Tân An, Sơn Thủy (Văn Bàn), Phú Nhuận (Bảo Thắng) theo học. Các lớp học, ông đều mở tại nhà, học trò đến ăn ở cùng gia đình trong suốt thời gian học, có những lớp kéo dài hơn một tháng. Học trò đến học mang theo gạo, giấy, bút, còn sách học do ông chép và soạn giảng.
Để đọc thông, viết thạo, thực hành được các bài cúng, học trò phải theo học 2 đến 3 năm liên tục. Năm đầu tiên, ông chỉ dạy chữ để các học trò học thuộc, tập viết các nét chữ, dịch nghĩa của các từ với các cuốn sách như “Pó Lý”, “Sâu khai”, “Chằn quáng”. Khi học từ 1 đến 2 tháng, các trò về nhà tự luyện đọc, luyện viết, chỗ nào chưa hiểu thì đến nhà, ông chỉ bảo thêm. Có trên 80% học trò sau khi học xong chữ tiếp tục học các bài cúng, được ông truyền dạy các bài cúng đơn giản, như cúng tổ tiên, Rằm tháng Bảy, Tết Nguyên đán, sau đó mới dạy đến các bài cúng, các bài hát, các bước tiến hành trong đám cấp sắc 3 đèn và 7 đèn, đám tang...
Trước khi học trò đến học, ông đều chuẩn bị đầy đủ sách cho từng người. Sách dạy chữ chủ yếu là chép lại từ sách cổ, còn sách dạy cúng, ông soạn thảo tỉ mỉ, phù hợp theo từng loại để học trò dễ đọc và dễ thực hành nhất. Ngoài sách giảng dạy cho học trò, ông còn chép lại các cuốn sách cổ từ ông cha để lại với mục đích lưu giữ cho con cháu sau này. Một số loại sách rất có giá trị như “Thông sâu” dùng để xem ngày tốt, xấu; “Sài dung sâu”, “Ỳ chía sâu” có hai loại “nhụa mềnh ý chía” sách kể về thầy cúng gồm nguồn gốc, sinh thời, trưởng thành, học hành trở thành người thầy và các loại “ý chía” khác chủ yếu kể về thời gian, địa điểm, sự chuẩn bị của chủ nhà từ xem ngày, mời thầy, làm giấy… cầu mong tổ tiên, thần linh phù hộ cho gia chủ mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, không có bệnh tật và cuốn sách “Thính sính kho” dùng trong đám cấp sắc...
Ngoài dạy cho học trò biết chữ Nôm Dao, ông Minh còn truyền cách dạy cho các học trò có nguyện vọng làm thầy như Triệu Giồng Thọ ở xã Nậm Dạng, Triệu Kim Huyện ở xã Dần Thàng. Đã có 15 người là học trò của ông Minh trở thành thầy cúng như Phùng Kim Định, Triệu Kim Phương, Triệu Nguyên Tiến, Phùng Kim Chiêu, Triệu Kim Hữu... Nói đến đây, ông Minh cảm thấy nuối tiếc: Từ năm 2017 đến nay, do tuổi cao sức yếu, tôi không trực tiếp đứng lớp dạy học như trước, mà chỉ hướng dẫn được 10 học trò về các bài cúng, bài hát, các bước thực hiện trong đám tang. Tuy nhiên, còn sức, tôi vẫn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với học trò, bởi chính họ đang tiếp tục nắm giữ văn hóa dân tộc Dao và sẽ tiếp tục sự nghiệp trao truyền vốn văn hóa của dân tộc mình cho thế hệ mai sau.
Với những cống hiến của mình, tháng 3/2019, ông Triệu Nguyên Minh được tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực tập quán xã hội và tín ngưỡng. Ông Triệu Nguyên Minh chia sẻ: Danh hiệu đó là vinh dự cả đời người, cả dòng họ, là động lực để tôi tiếp tục với công việc mà cả đời đã dành thời gian theo đuổi.