Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0
Ngày 31/12/2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng ký ban hành Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT về Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0.Khung Kiến trúc chính phủ điện tử (CPĐT) phiên bản 2.0 được xây dựng trên cơ sở nâng cấp, cập nhật các nội dung từ phiên bản 1.0.
Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 với các mục tiêu chủ yếu sau: Tăng cường khả năng kết nối, chia sẽ dữ liệu, dùng chung các tài nguyên công nghệ thông tin trong mỗi cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với cơ quan, tổ chức khác trên phạm vi toàn quốc; hướng tới tiết kiệm chi phí, thời gian trong hoạt động nội bộ của cơ quan nhà nước, cung cấp hiệu quả các dịch vụ tích hợp cho người dân và doanh nghiệp, coi người dân và doanh nghiệp là trung tâm; tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư công nghệ thông tin; hướng tới triển khai CPĐT đồng bộ, lộ trình phù hợp, hạn chế trùng lắp; tăng cường khả năng chuẩn hóa, đảm bảo an toàn thông tin trong triển khai CPĐT.
Khung kiến trúc Chính phủ điện tử có bảy nội dung cơ bản cơ bản gồm: Tầm nhìn; mục tiêu; phạm vi áp dụng; nguyên tắc; sơ đồ tổng thể Kiến trúc Chính phủ điện tử; Các Kiến trúc Chính phủ điện tử thành phần; tổ chức triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử.
Nội dung mới nổi bật của Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 so với phiên bản 1.0 là 5 mô hình tham chiếu cơ bản gồm: Mô hình tham chiếu về nghiệp vụ, Mô hình tham chiếu dữ liệu; Mô hình tham chiếu ứng dụng; Mô hình tham chiếu công nghệ và Mô hình tham chiếu và an toàn thông tin. Đây là Mô hình tham chiếu để các bộ, ngành, địa phương tham chiếu trong quá trình xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử tại các bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử cũng ban hành sơ đồ khái quát tổng thể các thành phần chính trong CPĐT Việt Nam để làm cơ sở xây dựng, triển khai Kiến trúc CPĐT của các bộ, ngành, địa phương đồng bộ, hiệu quả, kết nối.
Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 chính là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương triển khai Chính phủ điện tử có hiệu quả, tránh đầu tư trùng lặp và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số.