Lào Cai: Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới với 25 dân tộc cùng chung sống, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 66 % dân số toàn tỉnh. Sự đa dạng về các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, phong phú về bản sắc văn hóa dân tộc là điều kiện thuận lợi, là tiềm năng để Lào Cai phát triển du lịch.
Toàn tỉnh hiện có 46 di tích, danh thắng xếp hạng, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh. Tỉnh Lào Cai cũng là một trong số tỉnh dẫn đầu cả nước với 26 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó, Di sản nghi lễ Kéo co người Tày - Giáy ở Lào Cai được UNESSCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sức hấp dẫn của di sản đã tạo động lực cho phát triển du lịch, là động lực thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong nước và khách du lịch quốc tế, mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Với tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh, Lào Cai đã và đang gắn kết nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững. Các di tích danh thắng đã phát huy được giá trị trở thành điểm du lịch hấp dẫn, điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trong và ngoài nước. Một số di tích danh thắng luôn đứng trong tốp đầu bình chọn của thế giới như: Di tích danh thắng Ruộng bậc thang ở Sapa được Tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn là 1 trong 7 ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á, được trang Mother Nature xếp trong danh sách 30 thắng cảnh đẹp nhất hành tinh. Đền Bảo Hà - huyện Bảo Yên, Đền Cô Tân An- huyện Văn Bàn, Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Cấm, Đền Đôi Cô - thành phố Lào Cai đã trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trong và ngoài nước, hàng năm thu hút hàng vạn lượt khách đến chiêm bái, dâng hương.
Nhà Trình tường của người Hà Nhì (xã Ý Tý- huyện Bát Xát) trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn
Lào Cai là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng - đây là loại hình “du lịch xanh” được khách du lịch quốc tế yêu thích khám phá, 2 năm liền (2016, 2017) đều được giải thưởng Homestay Asean. Trong đó, làng cổ của các dân tộc tiêu biểu ở Lào Cai phát huy thế mạnh trở thành các điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn như thôn Cát Cát của người Mông xã San Sả Hồ (Sa Pa); thôn Lao Chải của người Hà Nhì xã Ý Tý (huyện Bát Xát); thôn Trung Đô của người Tày xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà),...
Các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống như Lễ hội Gầu tào của người Mông; Lễ Cấp sắc của người Dao; Nghi lễ then của người Tày; Lễ hội Róong Pọoc của người Giáy; Lễ Pút tồng (Tết nhảy) của người Dao; Nghề Chạm khắc bạc của người Mông; Nghệ thuật tranh cắt giấy (Nghề chàng slaw) của người Nùng Dín; Kéo co của người Tày, người Giáy; Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì Đen; Múa Xòe (Nghệ thuật The) của người Tày Tả Chải; Nghệ thuật trang trí hoa văn trên tang phục người Xa Phó; Lễ hội tạ ơn trâu (Tết Sừ giề pà) của người Bố Y; Chữ nôm của người Dao; Lễ Gạ ma do (cúng rừng) của người Hà Nhì huyện Bát Xat; Lễ Khoi kìm (cúng rừng) của người Dao đỏ: Nghệ thuật khèn của người Mông,…đã thu hút được sự tham gia của du khách đến trải nghiệm, đồng thời giới thiệu và tôn vinh văn hoá truyền thống.
Sự độc đáo, hấp dẫn của văn hóa ẩm thực địa phương cũng dần được giới thiệu tới du khách và trở thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương như: Thổ cẩm Sa Pa, tương ớt Mường Khương, gạo Séng Cù Mường Khương, rượu San Lùng Bát Xát; Lá thuốc người Dao Đỏ (Tả Phìn- Sa Pa); nghề dệt may thổ cẩm; ẩm thực truyền thống dân tộc Tày, Giáy.… ... Đến nay, một số giá trị văn hóa đã dần trở thành thương hiệu của riêng Lào Cai như: Chảo thắng cố Bắc Hà được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam, giải đua ngựa truyền thống tại Bắc Hà, lễ hội trên mây Sa Pa.
Tỉnh cũng chú trọng công tác khai thác và phát huy bản sắc văn hóa riêng để phát triển các làng nghề truyền thống, các sản phẩm du lịch như: nghề Thảo dược và hương liệu (Tả Phìn), rau sạch (Sa Pả), làm hương (Tả Van), làm nến sáp ong (San Sả Hồ), thổ cẩm (Lao Chải), nghề chạm khắc bạc của người Dao đỏ (Bát Xát). Toàn tỉnh có 31 các làng nghề, nghề thủ công truyền thống được công nhận tại các huyện, thành phố. Các mô hình này đã tạo việc làm trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, tạo ra những sản phẩm độc đáo và được du khách đặc biệt yêu thích. Doanh thu từ làng nghề truyền thống nông thôn ước đạt trên 73 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Du lịch cộng đồng tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con các dân tộc trong tỉnh.
Với mục tiêu gắn kết giữa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số với xây dựng nông thôn mới nhằm phát triển kinh tế, du lịch của các địa phương, Lào Cai đã và đang triển khai nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong đó, giải pháp trọng tâm là gắn lợi ích của cộng đồng địa phương với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản; vận động người dân tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số để các di sản văn hóa trở thành thế mạnh, tài sản, là nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.