Quy định Hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Ngày 22/11/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 33/2019/TT-BCT quy định Hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.Thông tư quy định Hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, bao gồm: tiêu chí xây dựng, thẩm định, phê duyệt đề án thuộc Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Chương trình); tiêu chí xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam; áp dụng đối với các đơn vị chủ trì thực hiện đề án thuộc Chương trình, cơ quan quản lý Chương trình và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan.
Tiêu chí đăng ký xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam: là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam theo quy định của pháp luật; sản phẩm, hàng hóa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Tiêu chí đối với doanh nghiệp có sản phẩm đăng ký xét chọn: là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam; là chủ sở hữu văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ của sản phẩm đăng ký xét chọn; có thời gian hoạt động tối thiểu từ 02 năm liên tiếp trước năm xét chọn; tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh, bảo vệ môi trường, lao động, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ về tài chính, thuế và các nghĩa vụ khác đối với ngân sách nhà nước.
03 tiêu chí xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam gồm: chất lượng; đổi mới sáng tạo; năng lực tiên phong, được quy định chi tiết tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
Việc xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được thực hiện theo phương thức chấm điểm. Thang điểm đánh giá là 1.000. Thang điểm đánh giá được xác định cụ thể đối với từng chỉ số đánh giá trong tiêu chí quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này. Tổng điểm quy định để một sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam là từ 650 điểm trở lên và điểm mỗi tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 7 đạt từ 60% trở lên.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 01 năm 2020.