Những loại mũ bảo hiểm đạt chuẩn và cách đội mũ đúng quy cách
Đã hơn 10 năm kể từ khi triển khai Công điện số 1317/CĐ-TTg của Chính phủ về bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường, ý thực chấp hành quy định này của phần lớn người dân đã được nâng cao, hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm và tạo nét văn hóa giao thông mới. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những tồn tại bất cập như sử dụng mũ bảo hiểm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, mũ bảo hiểm giả, mũ không phải là mũ bảo hiểm.
Đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa giao thông trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Từ tháng 7/2014, người dân khi đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn hoặc không đúng quy cách, đội mũ không phải là mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy cũng sẽ bị xử phạt giống như vi phạm không đội mũ bảo hiểm. Đã 5 năm thực hiện quy định này, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ - thế nào là một chiếc mũ bảo hiểm đạt chuẩn.
Theo Điều 3 và Điều 4, Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT giữa Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy, thì mũ bảo hiểm cho người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy đội khi tham gia giao thông phải có đủ các tính năng sau: Có cấu tạo đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; Có kiểu dáng theo quy định; Mũ bảo hiểm có chứng nhận hợp quy, được gắn dấu hợp quy CR, có nhãn mác hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy. Theo đó, mũ bảo hiểm được phân thành 3 loại:
Mũ che nửa đầu: Là loại mũ chỉ che một nửa đầu phía trên. Loại mũ này hiện rất phổ biến trên đường Việt Nam. Đây là loại mũ có tính chất bảo vệ thấp nhất, do chỉ che chở được nửa phần đầu phía trên của người đội. Các vùng khác như sau gáy, vùng mặt, tai và cằm đều có thể bị tổn thương nặng nề khi gặp tai nạn. Tuy nhiên loại mũ này lại rất được ưa chuộng bởi trọng lượng nhẹ, thông thoáng và có kích thước nhỏ gọn, tiện lợi để mang theo. Mũ che nửa đầu chỉ thích hợp để đi trong thành phố với tốc độ chạy xe chậm. Không thích hợp để đi xa hay chạy xe với tốc độ quá nhanh.
Loại thứ 2 là mũ che cả đầu và tai: Loại mũ này che được 3/4 đầu, bao gồm đỉnh đầu, sau gáy và 2 tai của người đội. Với tỷ lệ bao phủ lớn hơn mũ che nửa đầu, nên sẽ bảo vệ đầu của người đội được tốt hơn. Đa số các loại mũ này đều có kính chắn gió lớn ở phía trước nên nó cũng có tác dụng ngăn không cho gió táp vào mặt của người đội. Tuy nhiên, khi chẳng may gặp tai nạn thì nó sẽ không bảo vệ vùng cằm của người sử dụng được. Loại mũ này thích hợp cho người hay đi xa nhưng vẫn thường đi lại trong thành phố. Chúng không quá cồng kềnh và cũng khá thông thoáng như loại mũ che nửa đầu.
Loại thứ 3 là mũ che cả đầu, tai và hàm: Loại mũ này có kết cấu bảo vệ phần phía trên của đầu, vùng chẩm và vùng tai của người đội mũ. Đây là loại mũ bảo vệ tốt nhất cho người đội, vì nó sẽ phủ kín đầu bao gồm cả vùng mặt và cằm. Đội loại mũ này khi đi trong thành phố có phần bất tiện vì kích thước to, nặng, cồng kềnh và kém thông thoáng. Việc bổ sung phần bảo vệ cằm là rất quan trọng bởi vì theo nghiên cứu cho biết, 35% số vụ tai nạn xe máy làm cho vùng cằm của người lái bị tổn thương rất nặng nề. Bởi vậy khi đi xa hay đi với tốc độ cao, người điều khiển mô tô, xe máy, xe đạp máy nên lựa chọn loại mũ này để đảm bảo an toàn nhất.
Tuy nhiên, ngay cả một chiếc mũ bảo hiểm tốt và an toàn cũng sẽ không có tác dụng, nếu không đội đúng cách. Một số người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông lại coi nhẹ quy cách đội mũ bảo hiểm như: Không cài quai mũ, hoặc để quai mũ lỏng lẻo, đội mũ bảo hiểm không vừa kích cỡ đầu,... Những sai sót như vậy có thể sẽ khiến bạn mất mạng khi xảy ra va chạm.
Theo anh Nguyễn Hoạnh - hướng dẫn viên lái xe an toàn của hệ thống Honda Tiến Thành hướng dẫn đội mũ gồm có 3 bước. Chọn mũ vừa đầu, bỏ quai mũ ra đưa lên đầu, xoay ngang, mũ vừa phải, tránh rộng quá, tránh chặt chội quá. Thứ 2 là cài quai mũ, nếu chúng ta không cài quai mũ thì mũ cũng mất tác dụng khi chúng ta sử dụng mũ sẽ bị văng ra ngoài. Thứ 3 là chúng ta cài quai mũ và đưa 2 ngón tay qua cằm, đưa qua vừa phải là quai mũ đã đúng tiêu chuẩn. Nếu không đúng tiêu chuẩn, chúng ta có thể nới ra hoặc cài thêm vào tránh để chặt quá sẽ không thoải mái.
Để bảo vệ tính mạng của mình, người ngồi trên mô tô, xe máy hãy chú ý lựa chọn cho mình chiếc mũ bảo hiểm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và hãy tạo thói quen đội mũ bảo hiểm đúng cách.