Lào Cai: Gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch
Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn coi trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản phi vật thể quốc gia, gắn các di sản văn hóa với phát triển du lịch.Với 26 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó “Nghi lễ kéo co Tày, Giáy” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được tỉnh Lào Cai khai thác trở thành nguồn lực phục vụ phát triển du lịch của địa phương như: Lễ hội Gầu tào và nghệ thuật chạm khắc bạc của người Mông; nghi lễ Cấp sắc của người Dao; Lễ Pút tồng của người Dao đỏ ở Sa Pa; Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy ở Sa Pa; Nghệ thuật The (múa) của người Tày xã Tà Chải, huyện Bắc Hà...
Tái hiện lễ cưới truyền thống của người Dao đỏ phục vụ khách du lịch. |
Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh tại 500 thôn, bản; sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nhóm các dân tộc thiểu số dưới 3.000 người đối với các nhóm có nguy cơ mai một cao, gồm các dân tộc: Bố Y, Xa Phó, Phù Lá, Pa Dí, Hà Nhì...; phục dựng và lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, đã có 19 nghệ nhân ở các địa phương trong tỉnh được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Ưu tú”. Các nghệ nhân đã tích cực tuyên truyền, mở lớp thực hiện việc trao truyền các giá trị văn hóa diễn ra tại cộng đồng, tập hợp các con, cháu trong gia đình và trong thôn, bản tham gia vào lớp học hát dân ca, dân vũ, học chữ Nôm Dao, hoạt động lễ hội truyền thống.