Tà Chải quan tâm nâng cao trình độ cho người lao động
Những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã Tà Chải (huyện Bắc Hà) đặc biệt chú trọng đào tạo nghề cho người lao động của địa phương.
Nhiều homestay ở Tà Chải được đầu tư với phong cách phục vụ chuyên nghiệp. |
Nhờ khai thác ưu thế về khí hậu, đất đai, tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, đời sống của người dân xã Tà Chải những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Điều đó cho thấy, việc nâng cao trình độ cho người lao động đã góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp, dịch vụ của Tà Chải tăng, kinh tế phát triển bền vững.
“Vân Khuya homestay” ở thôn Na Lo, xã Tà Chải là cái tên được khá nhiều dân du lịch rỉ tai nhau khi tới Bắc Hà. Đi vào hoạt động từ năm 2017, homestay của chị Trần Thị Vân mỗi tháng đón khoảng 50 - 70 lượt khách du lịch lưu trú, đem về nguồn thu hàng chục triệu đồng mỗi năm cho gia đình. Đông khách nhất là vào những ngày cuối tuần, nếu không đặt trước sẽ khó có chỗ nghỉ tại đây.
Để có được lượng khách ổn định và tăng qua từng năm, ngoài việc nâng cấp, tu sửa homestay định kỳ, chị Vân còn tham gia các lớp tập huấn về kinh doanh dịch vụ homestay do xã và huyện tổ chức. Nhờ đó, chị có thêm kiến thức và kỹ năng từ việc trang trí nhà, đón khách, đến việc cung cấp thêm các dịch vụ như biểu diễn xòe, trải nghiệm hái mận, chăm sóc rau… để thu hút khách đến homestay của mình.
Được biết, xã Tà Chải hiện có 17 homestay. Trong 9 tháng năm nay, xã đón hơn 1.400 lượt khách du lịch, trong đó có 1.052 khách nước ngoài và 368 khách trong nước. Để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, UBND xã đã kết hợp với các công ty du lịch tổ chức tập huấn cho những người đang kinh doanh mô hình homestay ở địa phương về kỹ năng xây dựng và vận hành du lịch cộng đồng. Nhờ đó, người dân làm homestay được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng phục vụ công việc kinh doanh của mình tốt hơn, góp phần phát triển du lịch cộng đồng địa phương bền vững.
Cùng với làm du lịch cộng đồng, người dân Tà Chải tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phát triển cây mận Tam hoa và trồng rau. Hằng năm, xã liên kết mở nhiều lớp đào tạo nghề phù hợp với từng nhóm đối tượng. Từ đầu năm đến nay, xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà mở 31 lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, với 2.034 người tham gia học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mận Tam hoa, trồng rau vụ đông và cách phòng, trừ sâu bệnh hại…
Trước khi mở lớp, xã đều tuyên truyền tới từng thôn, bản và cử cán bộ phụ trách thôn kịp thời nắm nhu cầu học tập của người dân, sau đó chia theo từng nhóm nghề như đan, thêu thổ cẩm, rèn, đúc, chăn nuôi, trồng trọt, du lịch. Phần lớn người dân ở các thôn đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều mô hình kinh tế khá đã xuất hiện với doanh thu mỗi năm khoảng 200 - 300 triệu đồng. Xã hiện có 10 ha rau an toàn và 3 ha rau công nghệ cao, tổng sản lượng rau 6 tháng đầu năm nay ước đạt 130 tấn. Các loại cây ăn quả như đào, lê, mận Tam hoa cũng được trồng thành vùng chuyên canh với diện tích 180 ha, tổng sản lượng đạt 664 tấn, có giá trị gần 20 tỷ đồng.
Nhờ tích cực chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân Tà Chải từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người của xã được nâng lên từ 23,4 triệu đồng/người (năm 2016) lên 32,41 triệu đồng/người (năm 2018). Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 5,82%.
Bà Thèn Thị Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Tà Chải cho biết: Bên cạnh những chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho lao động miền núi được học nghề, nâng cao trình độ lao động, Tà Chải còn tập trung phát triển nông nghiệp chất lượng cao theo thế mạnh của địa phương, đồng thời thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã.