Việt Nam dự kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 40 và Diễn đàn Hòa bình Paris
Từ ngày 12-17/11 tại Paris, Pháp sẽ diễn ra kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 40 và Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ hai. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự kỳ họp này. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 40 và Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ 2. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 40 sẽ có sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao của các nước thành viên, thảo luận và thông qua quyết định về nhiều vấn đề quan trọng: Rà soát, tổng kết các hoạt động quan trọng trong giai đoạn 2018–2019 và đề ra hướng đi mới cho Tổ chức trên 5 lĩnh vực chuyên môn; thông qua nguồn ngân sách ngắn hạn cho giai đoạn 2020-2021 và nguồn ngân sách hợp tác trung hạn giai đoạn 2022-2029…
Trong nội dung thảo luận của Đại hội đồng UNESCO lần thứ 40 sẽ nổi lên nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến quy trình hoạt động, sửa đổi Hiến chương của UNESCO như quy trình bầu Tổng giám đốc, nhiệm kỳ các thành viên Hội đồng chấp hành…
Nhân dịp kỳ Đại hội đồng lần thứ 40, sẽ diễn ra nhiều hoạt động khác rất quan trọng và có liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực hoạt động của UNESCO như Hội nghị cấp Bộ trưởng về Giáo dục, Diễn đàn các Bộ trưởng về Văn hóa, các phiên họp của các tiểu ban chuyên môn…
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung sẽ có bài tham luận quan trọng tại Đại hội đồng UNESCO lần thứ 40, nêu quan điểm và đề xuất của Việt Nam về vai trò, vị thế của UNESCO, các vấn đề lớn mà UNESCO đang giải quyết cũng như về quan hệ hợp tác Việt Nam với UNESCO.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Hoài Trung dự kiến sẽ tham dự và có phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình Paris – một hoạt động do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khởi xướng. Diễn đàn được tổ chức lần đầu tiên tại Paris vào năm 2018 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến I và đã bước đầu nhận được sự hưởng ứng của nhiều nguyên thủ, lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức quốc tế…
Diễn đàn Hòa bình Paris năm nay tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế; tập trung thảo luận các chủ đề như hòa bình và an ninh, phát triển, môi trường, công nghệ mới, kinh tế bao trùm và văn hóa giáo dục…