Tọa đàm Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Ni-giê-ri-a
Nhân chuyến thăm chính thức Ni-giê-ri-a từ ngày 28 đến ngày 31/10/2019, sáng ngày 30/10 tại Thủ đô Abuja, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tham dự và phát biểu tại Tọa đàm Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Ni-giê-ri-a do Bộ Công Thương Việt Nam chủ trì, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Abuja, Đại sứ quán Việt Nam tại Ni-giê-ri-a, Bộ Công Thương và Đầu tư Ni-giê-ri-a tổ chức.Tham dự Tọa đàm về phía Việt Nam còn có Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thông tấn xã Việt Nam, và đại diện của 08 Tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực: năng lượng điện, khoáng sản, dệt may, kinh doanh xăng dầu, logistics, nông sản, trái cây, hạt điều, hóa chất, nhựa…
Về phía Ni-giê-ri-a có Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Thương mại và Đầu tư Ni-giê-ri-a, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Abuja, đại diện của Phó Tổng thống Ni-giê-ri-a, Thống đốc Bang Niger, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - đại diện của Phó Tổng thống Ni-giê-ri-a, đại diện các Bộ Ngoại giao, Công Thương và Đầu tư, một số hiệp hội và khoảng 120 doanh nghiệp Ni-giê-ri-a. Tổng cộng có khoảng 200 đại biểu của hai nước tham dự Tọa đàm.
Mở đầu chương trình Tọa đàm là phát biểu chào mừng của ông Prince Adetokunbo Kayode, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Abuja. Ông Kayode đã điểm lại tình hình trao đổi đoàn giữa hai nước, ghi nhận trao đổi thương mại có chuyển biến tích cực, đề xuất các lĩnh vực hợp tác tiềm năng cho hai nước như dầu khí, hàng hải, khai khoáng, sản xuất điện, năng lượng mặt trời, nông nghiệp, chế biến gỗ, giày dép, chế biến điều, trồng và chế biến bông, chế biến ca cao, dệt may, sản xuất xe mô-tô ba bánh, xe tải, vận tải, cơ khí, viễn thông, xây dựng các khu kinh tế, du lịch, văn hóa… Ông Kayode cũng cho biết Ni-giê-ri-a muốn nhập khẩu máy móc thiết bị từ Việt Nam, trong đó có các linh kiện dạng CKDs, đề nghị các doanh nghiệp hai nước thành lập liên doanh trong các lĩnh vực này.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước. Phó Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu to lớn của Ni-giê-ri-a trong thời gian qua, đã đưa Ni-giê-ri-a trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 châu Phi và đứng đầu khu vực Tây Phi. Giới thiệu về Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, từ một quốc gia đói nghèo, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một đất nước thanh bình, chính trị ổn định, nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và ngày càng củng cố trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động. Phó Thủ tướng đã thông tin cho các doanh nghiệp Ni-giê-ri-a thông tin cập nhật về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, những thành tựu về xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, chính sách của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển hệ sịnh thái khởi nghiệp, kết quả thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc.
Về quan hệ với Ni-giê-ri-a, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ Việt Nam luôn coi trọng quan hệ bạn bè truyền thống với các nước châu Phi nói chung và Ni-giê-ri-a nói riêng. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia tăng trưởng nhanh chóng từ 288 triệu USD năm 2014 lên 460 triệu USD và đang tiếp tục tăng, đưa Nigeria trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở khu vực Tây Phi. Phó Thủ tướng đánh giá những kết quả đạt được trong hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất khiêm tốn so với lợi thế và tiềm năng hợp tác của hai Bên. Phó Thủ tướng khẳng định hai Bên có thể hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực nông nghiệp để tạo ra các chuỗi giá trị đối với các ngành hàng hạt điều, bông, trái cây, tôm, cá ba sa và cá tra. Ngoài ra hai nước còn nhiều tiềm năng để mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, dầu khí, điện, xây dựng và cả du lịch.
Để biến tiềm năng thành hiện thực, Phó Thủ tướng đề nghị hai Bên tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp, đề nghị Ni-giê-ri-a tổ chức đoàn doanh nghiệp sang tham dự Hội chợ Viet Nam Expo vào tháng 12/2019 sắp tới tại thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị các cơ quan Chính phủ của hai nước tăng cường sự phối hợp trong việc hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai Bên hợp tác kinh doanh, đề nghị tăng cường hợp tác giữa các địa phương của hai Bên. Phó Thủ tướng cũng đã chúc mừng Ni-giê-ri-a trong tháng 7/2019 vừa qua đã gia nhập Hiệp định Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), là sự kiện quan trọng mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa cho Nigeria và các nước, trong đó có Việt Nam.
Tiếp theo, Thứ trưởng Bộ Công Thương và Đầu tư Ni-giê-ri-a Edet Sunday Akpan đã có bài phát biểu tại Tọa đàm. Thứ trưởng Akpan bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những kết quả, thành tựu vượt bậc về phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là những kết quả về thương mại, đầu tư, hội nhập kinh tế mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua. Thứ trưởng Akpan đánh giá cao chuyến công tác của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tới Ni-giê-ri-a lần này, là một dấu mốc quan trọng, mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ hai nước, đồng thời cảm ơn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các nhà Lãnh đạo Việt Nam đã dành sự quan tâm, chỉ đạo việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Thứ trưởng Akpan thông báo Ni-giê-ri-a phấn đấu đến năm 2020 sẽ nằm trong tốp 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Để đạt mục tiêu này, Ni-giê-ri-a đang tập trung thúc đẩy đầu tư vào khu vực phi dầu mỏ, đa dạng hóa nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng thể chế, tạo môi trường kinh doanh thân thiện và thuận lợi. Về quan hệ với Việt Nam, Thứ trưởng nhấn mạnh Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Ni-giê-ri-a. Các cơ hội đầu tư vào Ni-giê-ri-a nằm trong các lĩnh vực như chế tạo, nông nghiệp, vận tải, khai khoáng. Đây là những lĩnh vực có lợi nhuận cao. Ni-giê-ri-a rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và hy vọng buổi tọa đàm ngày hôm nay sẽ giúp doanh nghiệp hai Bên trao đổi các thông tin bổ ích, thiết lập quan hệ hợp tác. Nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương giữa hai nước, Thứ trưởng đề nghị: (i) hai Bên phối hợp tháo gỡ các rào cản, khó khăn vướng mắc trong thương mại, đầu tư; (ii) hai Bên thiết lập một cơ chế Đối thoại Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Ni-giê-ri-a để hỗ trợ doanh nghiệp; (iii) các cơ quan Chính phủ hai nước cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Ni-giê-ri-a hoạt động tại Việt Nam và ngược lại.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã chia sẻ một số thông tin cụ thể về tình hình thương mại, đầu tư, môi trường kinh doanh, tình hình hội nhập của Việt Nam, chính sách của Chính phủ liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài và tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, các cơ hội hợp tác kinh doanh thương mại và đầu tư đang đặt ra cho doanh nghiệp nước ngoài khi đến kinh doanh tại Việt Nam. Thứ trưởng điểm lại một số kết quả hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian qua, xác định những khó khăn trong quan hệ hợp tác và đề xuất một số biện pháp cụ thể để tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới. Trong khi khẳng định Việt Nam coi Ni-giê-ri-a là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu tại châu Phi, Thứ trưởng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp của hai nước tiếp tục dành sự quan tâm thích đáng và cùng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ hai nước để cùng tháo gỡ những nút thắt và tìm ra những giải pháp cụ thể, khai thác tốt các cơ hội hợp tác đang đặt ra.
Tại Tọa đàm, các doanh nghiệp của Ni-giê-ri-a và Việt Nam đã tích cực đặt câu hỏi cho Lãnh đạo Bộ Công Thương của hai nước, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Abuja. Nội dung trao đổi, đối thoại xoay quanh các vấn đề về chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư nước ngoài, môi trường đầu tư kinh doanh, thời hạn, thủ tục cấp phép đầu tư, hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu, đào tạo tiếng Việt cho doanh nghiệp Ni-giê-ri-a, hợp tác văn hóa, du lịch, các cơ hội hợp tác trong một số lĩnh vực như đầu tư sản xuất nông nghiệp, xây dựng khu công nghiệp, trồng rừng và chế biến gỗ, hợp tác liên doanh sản xuất máy móc vật tư ngành nông nghiệp, dệt may… Hai Bên cũng đã trao đổi về một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu gỗ và hạt điều. Sau phần hỏi đáp, các doanh nghiệp Việt Nam và Ni-giê-ri-a đã có các cuộc gặp trực tiếp (B2B) để bàn bạc kế hoạch hợp tác kinh doanh, thiết lập quan hệ đối tác.
Tọa đàm Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Ni-giê-ri-a là một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ chương trình công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam tại Nigeria. Tọa đàm đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp cũng như đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế của hai nước. Các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp của hai nước đã trực tiếp đối thoại về cơ chế, chính sách, những thuận lợi và khó khăn trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, qua đó nâng cao hiểu biết về thị trường mỗi nước và các cơ hội hợp tác mới đang đặt ra. Các doanh nghiệp cũng đã có cơ hội để thảo luận kế hoạch hợp tác thương mại và đầu tư trong thời gian tới. Kết quả của Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nigeria, góp phần đa dạng hóa và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam.