Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch
Với phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn xem khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp như của mình để cùng tháo gỡ. Chính điều này đã giúp ngày càng nhiều doanh nghiệp đến với Lào Cai.Khu nhà ở thương mại tại thành phố Lào Cai do Tập đoàn Bitexco đầu tư.
Trước khi đầu tư vào Lào Cai, Hợp tác xã Xây dựng và Khai thác quản lý chợ Cường Phát Hà Nội đã cử nhóm công tác lên tìm hiểu môi trường đầu tư tại địa phương. Nhận thấy Lào Cai là tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi và chính quyền luôn đồng hành với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nên đơn vị đã quyết định đầu tư dự án xây dựng chợ du lịch Phố Mới (thành phố Lào Cai). Dự án có tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng, với diện tích đất xây dựng hơn 11.500 m2, quy mô gồm 520 ki-ốt kinh doanh thuộc 31 ngành hàng và 66 căn nhà liền kề ở mặt đường. Đây là dự án chợ du lịch đầu tiên của Việt Nam và được thiết kế hài hòa giữa những nét đặc trưng của chợ truyền thống cùng những nét tinh tế của không gian mua sắm hiện đại. Sau hơn 2 năm thi công, các hạng mục của dự án đang bước vào giai đoạn hoàn thiện và dự kiến cuối năm 2019 đưa vào hoạt động.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, Giám đốc Hợp tác xã Xây dựng và Khai thác quản lý chợ Cường Phát, cho biết: Chúng tôi chọn Lào Cai để đầu tư bởi đó là địa phương có nhiều điểm du lịch, địa chính trị rất là tốt và các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Do vậy, việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ liên quan đảm bảo đúng thời gian và những vướng mắc được lãnh đạo từ phường đến phòng, ban của thành phố Lào Cai và cơ quan cấp tỉnh hỗ trợ giải quyết dứt điểm.
Hoạt động trên địa bàn tỉnh Lào Cai hơn chục năm nay, Công ty Cổ phần sản xuất, xuất, nhập khẩu Phú Hưng đã và đang đầu tư mạnh vào các dự án phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng thương mại trên địa bàn thành phố Lào Cai, với tổng vốn đầu tư đến nay khoảng 2.000 tỷ đồng. Ông Bùi Duy Đông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty này đánh giá, tỉnh Lào Cai có thủ tục đầu tư nhanh gọn, sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp khi gặp khó khăn, vướng mắc. Chính điều này và cộng với lợi thế về phát triển công nghiệp, du lịch, cửa khẩu, Lào Cai thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn tham gia phát triển đô thị, bất động sản. Những dự án, khu đô thị, công trình lớn được đầu tư hoàn thiện đang tạo điểm nhấn quan trọng trong bức tranh kinh tế của Lào Cai.
Không chỉ lĩnh vực thương mại, du lịch, bất động sản, mà lĩnh vực công nghiệp Lào Cai cũng thu hút được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp mạnh tham gia chế biến sâu khoáng sản. Công ty TNHH một thành viên hóa chất Đức Giang - Lào Cai là một trong những doanh nghiệp hàng đầu cả nước trong việc sản xuất ra các sản phẩm từ quặng apatit. Với sự hỗ trợ tích cực của các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh, công ty đã đầu tư hàng hoạt dự án tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, đồng thời chú trọng vào các sản phẩm chế biến sâu từ quặng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, như axit photphoric thực phẩm, phụ gia thức ăn gia súc DCP... Đến nay, công ty đã giải quyết việc làm ổn định cho 1.500 lao động địa phương. Năm 2018, doanh thu của công ty đạt 5.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt hơn 13,5 triệu đồng/tháng.
Lĩnh vực công nghiệp Lào Cai cũng thu hút được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia.
Theo ông Phạm Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên hóa chất Đức Giang - Lào Cai, môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh ở tỉnh Lào Cai ngày càng được cải thiện, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm giải quyết những vướng mắc cho công ty. Minh chứng rõ nét là doanh thu từ sản xuất, kinh doanh của công ty tăng trưởng tốt, số tiền thuế nộp ngân sách hằng năm đều tăng. Công ty mong muốn trong thời gian tới tỉnh sẽ hỗ trợ và cho phép đơn vị đầu tư vào lĩnh vực khai thác để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào.
Hiện nay, các khu, cụm công nghiệp của tỉnh đã thu hút được 170 dự án đầu tư, với tổng số vốn gần 23 nghìn tỷ đồng, trong đó có 131 dự án đi vào hoạt động, giá trị sản xuất đạt khoảng 20 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm gần 70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Các khu, cụm công nghiệp tạo nguồn thu ngân sách cho tỉnh gần 1 nghìn tỷ đồng và tạo việc làm cho 10 nghìn lao động.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 138 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 21.143 tỷ đồng, trong đó 133 dự án đầu tư trong nước và 5 dự án đầu tư nước ngoài. Vận động được 11 dự án ODA với tổng vốn đầu tư theo các hiệp định, thỏa ước tín dụng ký kết đạt 3.505 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 1.836 tỷ đồng, vốn đối ứng 669 tỷ đồng. Tiếp nhận 96 chương trình, dự án, khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài với gần 300 tỷ đồng.
Các dự án đầu tư đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho tỉnh. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10,23%/năm - là năm có mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây, đứng thứ 3 so với 14 tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc, sau tỉnh Bắc Giang và tỉnh Thái Nguyên; thu nhập bình quân của người dân đạt 61,84 triệu đồng/người/năm, bằng mức bình quân chung của cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 8.368 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng kinh tế đạt 10,02%.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Với việc quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các cấp, các ngành của tỉnh, như giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục về đăng ký doanh nghiệp, đất đai, thuế, thủ tục hải quan, xây dựng và thực hiện những chính sách ưu đãi theo Luật Đầu tư công đã góp phần từng bước tháo gỡ những rào cản đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của tỉnh.
Để tiếp tục thu hút được dự án có giá trị cao, đồng thời nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn, tỉnh xác định huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là mạng lưới giao thông, hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, các khu - cụm công nghiệp; tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng hơn nữa và minh bạch, bình đẳng; duy trì tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương với doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh; tăng cường hiệu quả liên kết trong các lĩnh vực quy hoạch, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến sâu, thương mại, mậu dịch biên giới và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.