Dấu ấn 10 năm
Để có góc nhìn toàn diện về kết quả xây dựng nông thôn mới và định hướng trong giai đoạn tiếp theo, phóng viên Báo Lào Cai có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tỉnh.Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Qua 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đến nay, toàn tỉnh có 48/143 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 33,57% tổng số xã trên địa bàn tỉnh, vượt mục tiêu Trung ương giao (Trung ương giao đến hết năm 2020, các tỉnh phía Bắc đạt 28% tổng số xã, tương đương với 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới). Dự kiến hết năm 2019, toàn tỉnh có 51 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân tiêu chí nông thôn mới/xã hiện đạt 13,5 tiêu chí, tăng 10,02 tiêu chí so với năm 2010; 166 thôn được công nhận thôn kiểu mẫu, thôn nông thôn mới…
Nông thôn vùng cao nhiều khởi sắc.
Điều vui mừng là đời sống vật chất và tinh thần của nông dân đã được cải thiện nhanh hơn, rõ ràng hơn. Minh chứng là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2018 đạt 23,46 triệu đồng/năm, tăng 16,02 triệu đồng so với năm 2010; đến tháng 6/2019, thu nhập đạt trên 24 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2018 còn 21%, giảm 22,85% so với năm 2015 (năm 2015, rà soát lại theo chuẩn nghèo đa chiều là 43,85%); đến 6/2019, tỷ lệ hộ nghèo còn 18,56%. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, vệ sinh môi trường chuyển biến tích cực, an ninh, trật tự nông thôn ổn định.
Phóng viên: Những bài học kinh nghiệm rút ra từ triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng hợp về chính trị - kinh tế - xã hội nên để thực hiện thành công phải có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Xây dựng nông thôn mới thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, do đó phải gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ ở thôn và người có uy tín. Làm tốt công tác tuyên truyền sẽ khơi dậy tính chủ động, sáng tạo của người dân. Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện chương trình tại địa phương là động lực để người dân tin tưởng, tích cực tham gia.
Phóng viên: Theo ông, đâu sẽ là khó khăn trong triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Mặc dù hạ tầng nông thôn và đời sống người dân đã có nhiều đổi thay, tuy nhiên, yếu tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững chưa cao. Điều này có thể thấy qua mô hình phát triển kinh tế hiện nay chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, mức độ liên kết giữa người dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo; chưa tạo được vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh thực sự lớn để kết nối với thị trường tiêu thụ.
Biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn, mưa tuyết, lũ ống, lũ quét…xuất hiện với mật độ ngày càng nhiều, cường độ lớn hơn là một thách thức cho sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn. Khả năng huy động nguồn lực trong dân, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng cao có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cũng sẽ khó khăn hơn.
Thêm nữa, giai đoạn sau 2020, Trung ương sẽ ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, các tiêu chuẩn nông thôn mới của các tiêu chí sẽ cao hơn, như vậy, các xã đang phấn đấu hoàn thành nông thôn mới cần nỗ lực nhiều hơn mới có thể hoàn thành các tiêu chí.
Phóng viên: Xin ông cho biết, chủ trương và các giải pháp chủ yếu của tỉnh trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Để khu vực nông thôn ngày càng phát triển, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh xác định tập trung vào những mục tiêu, giải pháp cụ thể, đó là: Rà soát và triển khai có hiệu quả các nội dung của chương trình giai đoạn 2016 - 2020 để tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của chương trình; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện giai đoạn sau năm 2020 cụ thể, sát với thực tế, nhất là giải pháp hỗ trợ các thôn, bản ở địa bàn đặc biệt khó khăn.
Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cần xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, đồng thời tập trung triển khai thực hiện các mô hình thôn kiểu mẫu. Đối với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới cần xây dựng lộ trình và giải pháp thực hiện chi tiết để hoàn thành từng tiêu chí. Đồng thời, thực hiện xây dựng và nhân rộng mô hình thôn nông thôn mới nhằm đẩy nhanh tiến độ “về đích” của các xã.
Sản phẩm nông nghiệp được xây dựng thương hiệu luôn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân.
Phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự... Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới (ưu tiên phát triển các thế mạnh của địa phương về cây ăn quả, rau, cây dược liệu, cây đặc sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, lâm nghiệp…); tăng cường triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, phát triển xây dựng nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng và xây dựng nông thôn mới.
Nỗ lực hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn, có chính sách đột phá, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn những xã đặc biệt khó khăn, trong đó chú trọng đầu tư cho các công trình cấp thôn nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân, từng bước hoàn thiện các tiêu chí xã nông thôn mới, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Chú trọng đến việc bảo vệ môi trường nông thôn, bảo tồn và phát huy sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc để nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng. Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu cho tỉnh ban hành thêm chính sách, có cơ chế ưu đãi hấp dẫn hơn để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, quan tâm nhiều đến chế biến nông sản theo chuỗi cung ứng, gia tăng giá trị sản phẩm.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là ở cấp xã, thôn sẽ được chú trọng hơn để nâng cao chất lượng công tác tham mưu. Cùng với đó, công tác kiểm tra, đôn đốc của cấp trên đối với cấp dưới về tình hình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ được đẩy mạnh.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!