Những cung đường lúa chín
Từ giữa tháng Tám trở đi, trên những cung đường lúa chín lại tấp nập các tay máy nghiệp dư hoặc nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp “không hẹn mà gặp”.Năm nào cũng vậy, dù bận rộn đến đâu, Trần Bảo Linh (Hà Nội) đều thu xếp công việc để lên Lào Cai check-in vào mùa lúa chín. Dường như mê mải với vẻ đẹp của mùa vàng Y Tý (Bát Xát), Sa Pa để thưởng thức trọn vẹn cung đường lúa chín, Linh thường chọn đi xe khách hoặc đi tàu lên thành phố Lào Cai rồi thuê xe máy tự lang thang... Dọc đường đi, Linh được thỏa thích ngắm những tràn ruộng bậc thang mùa lúa chín hai bên đường, được tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp của núi rừng Lào Cai, được trải nghiệm cuộc sống thường nhật của đồng bào vùng cao.
Mùa vàng ở Y Tý.
Trần Bảo Linh tâm sự: Miền đất này đã làm em mê đắm, dường như mấy năm nay, gần như năm nào em cũng lên đây, tận hưởng cho bằng được cảm xúc được tự mình lái xe, hít hà hương thơm của lúa chín, được đắm mình trong phiên chợ vùng cao. Nhìn bà con đồng bào dân tộc thiểu số rộn ràng mùa gặt, thấy cuộc sống đáng yêu, đáng sống biết nhường nào... Thực sự không uổng công để có một chuyến “phượt” Lào Cai vào mùa vàng và cũng thật tiếc cho những ai nếu chưa được trải nghiệm cung đường lúa chín mùa thu này.
Khác với Linh và các bạn trẻ thích “phượt” những cung đường lúa chín, nhiều du khách lựa chọn ngắm lúa chín theo kiểu “phiêu” trên mùa vàng. Đó là cảm giác được ngắm nhìn những tràn ruộng bậc thang lúa chín đẹp như tranh vẽ từ độ cao qua khoang cabin cáp treo trên đường rẽ mây lên “Nóc nhà Đông Dương” - đỉnh Fansipan hùng vỹ. Cả thung lũng Mường Hoa vàng rực được thu trọn vào tầm mắt đầy mê hoặc. Thường thì dân chơi ảnh ở thành phố Lào Cai chọn cách thưởng thức cung đường lúa chín theo những cách riêng. Để trọn vẹn những khoảnh khắc của mùa lúa chín, có những tay máy phải thức dậy từ rất sớm để lên vùng cao lúc 3 - 4 giờ sáng, “canh” cho được khoảnh khắc còn mờ sương, đợi từng giây phút mặt trời lên. Thậm chí, lang thang cả ngày trên những nẻo đường vùng cao Bát Xát, Sa Pa chỉ để thỏa sức sáng tạo không gian mùa lúa chín của một ngày từ lúc bình minh đến lúc hoàng hôn buông xuống...
Mùa lúa chín năm nào cũng vậy, những tốp săn ảnh nghệ thuật cũng “phục” và săn cho bằng được khoảnh khắc độc, lạ, riêng của mình. Có thể họ sẽ check-in cùng nhau một địa điểm nhưng nhất định tác phẩm không được giống nhau, bởi cái nhìn của con mắt nghệ thuật sẽ theo cách riêng của từng người, đồng thời còn hơn thua ở khoảnh khắc bấm máy. Trong giới nhiếp ảnh còn gọi những tác phẩm độc, lạ nhiều khi là “may hơn khôn”… bởi thiên nhiên vùng cao rất thú vị, thoắt cái cả biển lúa chìm nghỉm trong mây trắng, nhưng khi nắng lên, khung cảnh dần dần hiện ra kiều diễm, lung linh dưới nắng, đẹp đến nao lòng. Khoảnh khắc ấy, bất chợt bấm máy, chớp được thần thái của thiên nhiên không hề đơn giản, thế nên, có những tay máy, ngụp lặn cả tháng trời cũng chỉ săn cho được một bức ảnh lúa chín ưng ý là mãn nguyện lắm rồi.
Cung đường đi giữa mùa lúa chín ở vùng cao Lào Cai.
Giờ đây, không cần phải chọn độ cao, ống kính “tele” để chụp nương lúa chín nữa, phương tiện hỗ trợ flycam đã giúp các nhiếp ảnh gia tha hồ sáng tác ở mọi góc độ, mọi độ cao. Chính vì vậy, có nhiều bức ảnh toàn cảnh từ trên cao khiến bất cứ ai chỉ cần ngắm mùa vàng qua ảnh cũng hình dung ra sự hùng vỹ và tươi đẹp của “những bậc thang trời”. Bức ảnh từ trên cao đã lột tả được vẻ đẹp mà trước đây chỉ được ngắm một góc máy rất hạn chế. Tuy nhiên, việc ngắm mùa vàng qua ảnh, những thước phim trên truyền hình thật không thể thay thế được tự mình lang thang và trải nghiệm trên những cung đường lúa chín.
Chẳng thế mà năm nào cũng vậy, cứ độ lúa bắt đầu chuyển màu xanh sang vàng cũng là lúc anh Nguyễn Mạnh Cường, Bảo tàng tỉnh Lào Cai và những tay máy trong giới chơi ảnh Lào Cai lại “khăn gói quả mướp” lên đường. Anh Nguyễn Mạnh Cường tâm sự: Mùa lúa chín năm nào cũng vậy, tôi muốn tận mắt cảm nhận khung cảnh thiên nhiên, ghi lại khoảnh khắc của đất trời nơi vùng biên giới và khám phá những góc chụp mới trên thửa ruộng thân quen mà mình đã chụp nhiều lần. Có nhiều người hay hỏi tại sao mùa lúa chín năm nào cũng đi chụp không biết chán sao? Tôi chỉ cười và sau mỗi lần xem ảnh của tôi họ đã tìm được câu trả lời. Hơn thế, chinh phục những cung đường mùa lúa chín còn là cảm giác được chinh phục thiên nhiên và chinh phục chính mình.
Cũng chính mùa lúa chín đã tạo nên một sản phẩm du lịch hút khách của nhiều công ty lữ hành du lịch ở Lào Cai. Những điểm check-in quen thuộc mỗi mùa lúa chín là cánh đồng ruộng bậc thang ở Sảng Ma Sáo, Mường Hum, Dền Thàng, ruộng bậc thang Ngải Thầu, Y Tý (Bát Xát); rồi vòng qua Sa Pa, qua những cánh đồng Tả Giàng Phình, thung lũng Mường Hoa (Tả Van, Lao Chải), rồi cả những nơi ít người đến như Suối Thầu (Sa Pa), Sín Chéng (Si Ma Cai), La Pan Tẩn (Mường Khương) hoặc những cánh đồng mùa gặt vùng thấp như Nghĩa Đô (Bảo Yên), Hòa Mạc (Văn Bàn)… Nhiều người còn chọn những cung đường xa hơn, vượt qua ranh giới tỉnh Lào Cai để đến những cung đường lúa chín ở Hoàng Su Phì, Xín Mần (Hà Giang) hay Mù Cang Chải (Yên Bái).
Với ý tưởng để du khách có nhiều cách khác nhau thưởng thức mùa lúa chín vùng cao, mùa thu năm trước, huyện Bát Xát đã thực hiện thành công chương trình lễ hội, trải nghiệm dù lượn “bay trên mùa vàng” ở Mường Hum, Sảng Ma Sáo. Hàng nghìn du khách đã được trải nghiệm treo mình trên không trung với cảm giác mạnh, được thỏa thích tận mắt ngắm nhìn ruộng lúa từ trên trời xanh mà không phải ai cũng có cơ hội thưởng thức. Với nhiều người, đó là mơ ước của một đời người… Chị Nguyễn Hải Anh, du khách đến từ Ninh Bình chia sẻ cảm xúc được bay trên mùa vàng: Lần đầu tiên trong đời được lơ lửng giữa trời xanh, thật khó diễn tả hết cảm xúc lúc ấy. Không biết phải nói thế nào cho đúng và đủ, chỉ biết rằng, thật hạnh phúc khi được trải nghiệm trên dù lượn ngắm mùa lúa chín từ trên cao…
Cung đường Lào Cai mùa nào cũng đẹp, nhưng có lẽ mùa hấp dẫn và làm nên bức tranh thiên nhiên hùng vỹ là mùa no ấm của người vùng cao. Bởi thế, cung đường lúa chín luôn tạo nên sức hấp dẫn cho những người đam mê du lịch và yêu nhiếp ảnh không thể bỏ qua mỗi độ thu về.