Bảo Yên: Gắn di tích với phát triển du lịch

Di tích lịch sử chiến thắng đồn Phố Ràng nằm ở trung tâm huyện Bảo Yên, nơi đây từng diễn ra trận Phố Ràng oanh liệt - mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cùng với chiến thắng sông Lô, trận Phố Ràng đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, đồng thời nhanh chóng phá vỡ hệ thống phòng thủ liên hoàn của thực dân Pháp, góp phần quan trọng để mở các chiến dịch tiếp theo. Mặc dù có ý nghĩa rất lớn trong giáo dục truyền thống cách mạng nhưng những năm qua, di tích này gần như bị bỏ quên giữa trung tâm phố huyện. Trừ những dịp kỷ niệm có một vài đoàn khách đến đây tham quan, thắp hương tưởng niệm các liệt sỹ, còn hầu như du khách đến Bảo Yên không biết hoặc không có ý định dừng chân ở di tích này.

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Phố Ràng, chị Nguyễn Bích Ngọc cùng đoàn cựu chiến binh Hà Nội lên thăm di tích bày tỏ ngạc nhiên khi thấy chứng tích lịch sử mà mình biết được qua ký sự Trận Phố Ràng của nhà văn Trần Đăng lại hoang tàn đến vậy. Chị băn khoăn: Tại sao chính quyền địa phương không đầu tư xây dựng nơi đây thành điểm sinh hoạt văn hóa, vừa để giáo dục truyền thống, vừa trở thành điểm thu hút du khách?

Di tích lịch sử đồn Phố Ràng nằm ở trung tâm huyện.

Di tích lịch sử chiến thắng Nghĩa Đô cũng trong tình trạng tương tự. Nằm cách trung tâm xã không xa, nhiều năm qua, nơi này gần như không có ai đặt chân đến. Theo chân ông Hoàng Viết Sợi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nghĩa Đô lên thăm Di tích lịch sử chiến thắng Nghĩa Đô, chúng tôi thực sự bất ngờ khi những dấu tích năm xưa vẫn còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn dưới lớp cỏ cây ken dày đặc. Ông Sợi cho biết, Nghĩa Đô đang được định hướng để phát triển thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, nếu đầu tư tu bổ, chỉnh trang di tích lịch sử hiện có, du khách đến Nghĩa Đô sẽ có thêm địa điểm tham quan.

Tại Bảo Yên còn một di tích có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của tỉnh, đó là khu căn cứ cách mạng Việt Tiến ở tại xã Việt Tiến. Nơi đây, vào tháng 5/1950, Tỉnh ủy Lào Cai mở Hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh tại đình Làng Già. Tại hội nghị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy bàn việc mở chiến dịch biên giới, Chiến dịch Lê Hồng Phong đợt II tiến tới giải phóng toàn tỉnh Lào Cai (tháng 5/1950). Hiện nay, khu di tích đang được huyện bố trí nguồn vốn để chỉnh trang, tuy nhiên, để biến nơi đây thành điểm thu hút du khách vẫn còn nhiều khó khăn bởi công tác quảng bá rất hạn chế. Việc kết nối khu di tích này với các di tích khác trên địa bàn huyện cũng chưa có.

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Yên, những năm qua, huyện quan tâm lập hồ sơ khoa học, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá để đưa các di tích lịch sử thành điểm đến trong hành trình du lịch, khám phá của du khách. Tuy nhiên, ngoài Di tích lịch sử đền Bảo Hà đã khẳng định vị trí trong bản đồ du lịch và có đông du khách đến tham quan, chiêm bái, các di tích lịch sử cách mạng khác chưa thực sự hút khách. Nguyên nhân do việc phát huy giá trị di tích chưa gắn liền với những hoạt động hấp dẫn; phần trưng bày thiếu nhiều tư liệu, hiện vật; tính quảng bá, liên kết chuỗi để bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong phát triển du lịch chưa được gắn kết chặt chẽ.

Ông Vũ Ngọc Quang, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Yên cho biết: Để khai thác hiệu quả giá trị di tích phục vụ du lịch, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện phối hợp với ngành chức năng điều tra, khảo sát lập hồ sơ khoa học các di tích; xây dựng hoàn thiện sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, văn hóa tâm linh và khai thác, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể để phục vụ du lịch; đưa các di tích lịch sử, văn hóa, những di sản vào chương trình tham quan du lịch. Cùng với đó, huyện đang tu bổ, chỉnh trang để mỗi di tích là một điểm tham quan có cảnh quan xanh - sạch - đẹp, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò, vị trí của di sản văn hóa.

Gắn di tích với phát triển du lịch không chỉ là giải pháp tốt nhất để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, mà còn thể hiện trách nhiệm với lịch sử, với các thế hệ đi trước, để những câu chuyện hào hùng của cha ông không bị lãng quên. Theo lãnh đạo huyện Bảo Yên thì tới đây, huyện sẽ có những giải pháp cụ thể để biến những di tích lịch sử thành nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn. 

Theo Mạnh Dũng/LCĐT

Tin Liên Quan

[Ảnh] Lễ hội hoa sen đá trong mùa săn mây đẹp nhất năm tại Sa Pa

Mở đầu cho chuỗi hoạt động kích cầu lớn nhất năm 2024 tại thị xã Sa Pa, ngày 29/10, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội Hoa sen đá với chủ đề “Chào ánh nắng, chào yêu thương”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Sa Pa chung tay kích cầu, ưu đãi đến 50%

Ngày 29/10, UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024 với chủ đề “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây”.

Định hướng phát triển du lịch làng nghề

Nghề thủ công ở Lào Cai xuất hiện từ rất sớm. Làng người Mông thường có một, hai hộ làm nghề rèn đúc, sửa chữa nông cụ, chạm khắc bạc, làm đồ trang sức. Làng người Tày lưu giữ nghề trồng bông dệt vải, bán vải chàm, vải bông ở các chợ vùng cao...

[Ảnh] Bắc Hà mùa thu

Mùa thu, Bắc Hà đẹp mê mẩn với những ngọn núi bao phủ trong mây trắng bồng bềnh, đồi hoa tam giác mạch đang mùa bung nở, các thiếu nữ xúng xính váy áo xuống chợ phiên...

Lên Y Tý ngắm nhà Trình tường

Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, không khí trong lành.

[Ảnh] Những điểm đến đẹp ở Sa Pa

Sa Pa đẹp nhất vào mùa nào? Thật khó để có thể tìm một câu trả lời tròn vẹn. Bởi người ta vẫn ví Sa Pa giống như một nàng công chúa, đẹp ở mọi góc cạnh, khuôn hình. Có người thích mùa xuân ngọt ngào; người thích mùa hạ rực rỡ; người thích mùa thu dịu dàng, lãng mạn; người lại thích mùa đông lạnh...