Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự ARF lần thứ 26.
Ngày 2/8 tại Bangkok, Thái Lan, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 26 (ARF-26) với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 27 nước và tổ chức tham gia ARF.
Tại hội nghị, nhìn lại quá trình phát triển của ARF trong 25 năm qua (1994-2019), các Bộ trưởng hài lòng nhận thấy ARF đã đạt được những bước tiến quan trọng, trở thành diễn đàn đa phương hàng đầu cho đối thoại và hợp tác, xây dựng lòng tin và thực hiện ngoại giao phòng ngừa ở khu vực.
Trước những thách thức an ninh nhiều mặt cả truyền thống và phi truyền thống đang đặt ra cho khu vực, các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục nỗ lực triển khai đầy đủ, hiệu quả Kế hoạch Hành động Hà Nội 2010 triển khai Tuyên bố Tầm nhìn ARF và các kế hoạch công tác đã thỏa thuận, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như cứu trợ thảm họa, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, chống phổ biến và giải trừ vũ khí huỷ diệt hàng loạt, gìn giữ hòa bình cũng như thách thức an ninh mới như an ninh mạng.
Theo đó, các Bộ trưởng đã thông qua các Tuyên bố ARF về bảo đảm an ninh và an toàn hàng không, về thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong hòa bình và an ninh và về phòng chống khủng bố và bạo lực cực đoan, cũng như kế hoạch hoạt động của ARF trong năm giữa kỳ 2019-2020.
Trong tình hình cục diện thế giới và khu vực đang chuyển biến nhanh chóng, các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục các biện pháp củng cố ARF nhằm giúp diễn đàn duy trì vai trò phù hợp và nâng cao khả năng thích ứng đối với những thách thức đang đặt ra. Theo đó, các Bộ trưởng nhất trí tiến hành rà soát và cập nhật Tuyên bố Tầm nhìn ARF và Kế hoạch hành động Hà Nội 2010, qua đó đề ra định hướng phát triển cho ARF trong giai đoạn mới.
Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, các Bộ trưởng ghi nhận những tiến triển gần đây trên bán đảo Triều Tiên, coi đây là đóng góp tích cực cho mục tiêu lâu dài là hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; đồng thời khẳng định tầm quan trọng của đối thoại và hợp tác trong giải quyết những khác biệt cũng như cam kết tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ. Các Bộ trưởng cũng trao đổi về những thách thức an ninh đang nổi lên như khủng bố và bạo lực cực đoan, an ninh an toàn hạt nhân, an ninh mạng, thiên tai thảm hoạ và biến đổi khí hậu...
Về tình hình Biển Đông, nhiều Bộ trưởng bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp gần đây, trong đó có những sự cố nghiêm trọng xảy ra ở khu vực.
Các Bộ trưởng tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đề cao luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982; kêu gọi kiềm chế, không quân sự hóa cũng như không có các hành động làm phức tạp tình hình; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Ghi nhận một số tiến triển trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC), các Bộ trưởng nhất trí tình hình hiện nay càng đòi hỏi một COC hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn ARF-26.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò và giá trị của ARF trong việc tăng cường đối thoại và hợp tác về những vấn đề chính trị - an ninh cùng quan tâm, cũng như thúc đẩy hợp tác ứng phó với những thách thức chung ở khu vực. Để tăng cường khả năng thích ứng trước môi trường an ninh đang thay đổi nhanh chóng, Phó Thủ tướng đề xuất xây dựng tầm nhìn phát triển mới cho ARF đi đôi với cải tiến phương thức hoạt động của diễn đàn, coi đây là những kết quả quan trọng cần đạt được trong năm 2020.
Chia sẻ tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật ở khu vực và trên thế giới, Phó Thủ tướng hoan nghênh những tiến triển khích lệ thời gian qua trên bán đảo Triều Tiên, trong đó có các cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Mỹ và Tiều Tiên; mong muốn các bên duy trì đà tiến triển, tiếp tục đối thoại để giải quyết các khác biệt.
Về tình hình Biển Đông, trong khi ghi nhận những tiến triển trong đàm phán COC, Phó Thủ tướng cho rằng vẫn còn những quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, bao gồm các hành động đơn phương và sự cố nghiêm trọng đang diễn ra ở Biển Đông, đặc biệt là những hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển.
Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị các nước đề cao tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có quyền và lợi ích của các quốc gia ven biển theo Công ước Luật Biển LHQ 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và duy trì môi trường thuận lợi để hỗ trợ cho tiến trình đàm phán nhằm đạt được một Bộ quy tắc hiệu lực, thực chất./.