Phát triển nền kinh tế số tại ASEAN - Một số vấn đề cần quan tâm

Theo Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), nền kinh tế số của ASEAN sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh, dự kiến sẽ tăng trưởng từ mức 31 tỷ USD năm 2015 lên 197 tỷ USD vào năm 2025.

 
Theo ERIA, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được dự báo sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030. Nền kinh tế số của ASEAN sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh, dự kiến sẽ mở rộng gấp 6,4 lần từ mức 31 tỷ USD  năm 2015 lên 197 tỷ USD vào năm 2025.
 
Trong khi đó, theo Boutheina Guermazi, Giám đốc về Phát triển số của Ngân hàng thế giới (WB), trong khi tiến trình mở rộng nền kinh tế số tại khu vực ASEAN đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có, toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế này vẫn chưa được nhận ra đầy đủ.
 
Lấy ví dụ về các doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Các DN loại này chiếm ít nhất 95% tổng số các cơ sở kinh doanh, tạo ra hơn một nửa tổng số việc làm trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, theo ước tính của ERIA, MSME chỉ đóng góp từ 30% - 53% GDP của ASEAN.
 
Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc công ty tư vấn toàn cầu Bain & Co, nguyên nhân là do chỉ có khoảng 16% các MSME của ASEAN ứng dụng các công nghệ số để phát huy hết khả năng của mình. Vì vậy, việc thu hẹp khoảng cách số được cho rằng sẽ giúp cải thiện nền kinh tế số của khu vực.
 
Giám đốc Boutheina Guermazi cho biết: “Mặc dù đa phần người dân ASEAN đã quen với việc sử dụng các dịch vụ số, song việc chấp nhận của các DN và chính phủ còn chậm, nhiều nút thắt về quy định và thiếu niềm tin vào các giao dịch điện tử đã kìm hãm sự phát triển của các hệ thống số”.
 


Cần cải thiện nền tảng nền kinh tế số ASEAN

 
Kết nối, kỹ năng và thanh toán số
 
Báo cáo mới đây của WB có tiêu đề “Nền kinh tế số ở Đông Nam Á - Tăng cường nền tảng cho tăng trưởng trong tương lai” xác định 6 lĩnh vực cần cải thiện chính đối với nền kinh tế số của ASEAN, trong đó, mở rộng kết nối là hạng mục đầu tiên trong chương trình nghị sự. Mặc dù một nửa dân số khu vực sử dụng Internet - ngang bằng với mức trung bình toàn cầu – con số có thể được mở rộng hơn nữa với các chính sách và hành động giúp hạ giá cước đáng kể, tăng tốc độ và đưa Internet băng thông rộng tin cậy đến các khu vực chưa được phục vụ.
 
Ngoại trừ Singapore, Malaysia và Thái Lan, tốc độ băng rộng cố định - đặc biệt quan trọng đối với các ứng dụng kinh doanh sử dụng nhiều dữ liệu - trong 7 quốc gia ASEAN khác đều nằm dưới mức trung bình toàn cầu.
 
Tăng cường kỹ năng số cho 650 triệu dân ASEAN sẽ đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng lợi từ các cơ hội và lợi ích của nền kinh tế số. Mặc dù khu vực này đã có tỷ lệ người dân biết chữ và số cao, nhưng các hệ thống giáo dục cần linh hoạt hơn trong việc phát triển các kỹ năng cần thiết để thích ứng với nền kinh tế số, từ kiến thức máy tính cơ bản đến các kỹ năng nâng cao như mã hóa và phân tích dữ liệu.
 
Mở rộng sử dụng các dịch vụ thanh toán số là một ưu tiên khác. Dữ liệu của WB cũng cho thấy chỉ 19% chủ tài khoản tài chính trong khu vực truy cập tài khoản của họ qua Internet, thấp hơn mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới và khu vực châu Phi cận Sahara  (lần lượt ở mức 27% và 24%).
 
Ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp, chính phủ cũng có thể thúc đẩy sử dụng thanh toán số bằng sử dụng chúng như một cách tương tác với người dân - chẳng hạn như thanh toán đối với các dịch vụ của chính phủ hoặc nhận lương hưu.
 
Kho vận, chính sách và môi trường pháp lý thuận lợi cho DN
 
Kho vận (logistics) vẫn là một rào cản trong thương mại điện tử (TMĐT) và việc đưa sản phẩm đến người dùng một cách hiệu quả và đáng tin cậy là một trong những thách thức lớn nhất của ngành. Các lô hàng TMĐT phải đối mặt với các thủ tục hải quan phức tạp ở nhiều quốc gia.
 
Thúc đẩy niềm tin thông qua chính sách phù hợp cho các lĩnh vực như bảo mật dữ liệu, an ninh mạng và bảo vệ người tiêu dùng sẽ góp phần tăng cường sự tham gia vào nền kinh số.
 
Cuối cùng, chính phủ cần cung cấp các nền tảng số hỗ trợ DN và giảm thiểu thời gian giao dịch cũng như chi phí, ví dụ cấp phép trực tuyến.
 
Mặc dù nhiều văn kiện như Kế hoạch chi tiết của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2025, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN năm 2025 và Hiệp định khung e-ASEAN sẽ giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trên, song việc xây dựng nên một chính sách tốt sẽ đảm bảo Đông Nam Á có lợi thế tốt hơn, từ đó mở ra tiềm năng cho nền kinh tế số khu vực một cách toàn diện.

Theo baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN ALMM-28 với chủ đề “Tăng cường khả năng phục hồi và thúc đẩy đổi mới”

Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 28 (ALMM-28) diễn ra tại Singapore với chủ đề “ Tăng cường khả năng phục hồi và thúc đẩy đổi mới ” và nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên.

Thúc đẩy phát triển hợp tác logistics Việt Nam với Thái Lan

Logistics là một ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao, rất quan trọng và đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhằm nâng cao năng lực phát triển của các doanh nghiệp logistics Việt Nam, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực logistics với Thái Lan cũng như thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc...

Triển lãm ASEAN Ceramics & Stone 2024 sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Với chủ đề “Tính bền vững và đa dạng thông qua đổi mới và hợp tác”, Triển lãm ASEAN Ceramics 2024 có sự tham dự nhiều gian hàng của các quốc gia, như: Đức, Italia, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam.

Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp ASEAN

Ngày 24/10, các Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN (AMAF) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến lần thứ 46. Hội nghị tái khẳng định cam kết của ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thực thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp.

Đẩy mạnh triển khai các dự án lớn kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Lào

Tối 24/10, theo giờ địa phương, nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo BRICS mở rộng tại Kazan, Liên bang Nga, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ tại AIPA-45

Chiều 21/10, tại thủ đô Vientiane, Lào, diễn ra Lễ bế mạc Đại hội đồng liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 45 (AIPA-45) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Lào, Chủ tịch AIPA-45 Saysomphone Phomvihane.