Cơ hội của du lịch Lào Cai
Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên và văn hóa, lại được chú trọng đầu tư thích đáng, du lịch Lào Cai đang đứng trước những cơ hội mới để phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đưa Lào Cai trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nhất vùng Tây Bắc, một trong những trọng điểm du lịch quốc gia và là một trung tâm du lịch lớn của quốc tế.Tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú là nguồn lực để Lào Cai xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc. Đỉnh Fansipan - Nóc nhà Đông Dương, đỉnh Ky Quan San, vùng đất “mây” Ý Tý, Cao nguyên trắng Bắc Hà,… rất thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái và khám phá, mạo hiểm. Với hệ thống động thực vật phong phú trong đó có những loài quý và hiếm, Vườn Quốc gia Hoàng Liên có giá trị về đa dạng sinh học; khí hậu phù hợp phát triển nông nghiệp, cây ôn đới, nhiệt đới…là những tiềm năng để khai thác phát triển sản phẩm du lịch khám phá, nghiên cứu, trải nghiệm, du lịch nông nghiệp độc đáo, hấp dẫn gắn với xóa đói giảm nghèo. Chất liệu quý từ hệ thống di sản văn hóa dân tộc đa dạng, phong phú, sắc thái văn hóa đặc sắc của 25 nhóm ngành dân tộc anh em đã hình thành nên hệ thống các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù như: ruộng bậc thang, chợ phiên, trình diễn nghề thủ công, các lễ hội văn hóa.
Cùng với những cơ hội lớn để du lịch Lào Cai cất cánh, Lào Cai cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ. Lợi thế về vị trí cửa ngõ, đường biên giới trải dài cũng tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định về an ninh quốc phòng. Sự phát triển quá “nóng” về du lịch, nhất là lượng khách nội địa đặt du lịch Lào Cai phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn giao thông cục bộ, sự quá tải ở các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ. Việc khai thác tài nguyên du lịch một cách ồ ạt dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái và mai một di sản văn hóa truyền thống; việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi làm giảm diện tích, nguồn tài nguyên rừng. Nạn đeo bám, chèo kéo khách du lịch tạo nên hình ảnh không đẹp về du lịch Lào Cai…
Tuyên truyền nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch trong các cấp, ngành, địa phương và trong toàn xã hội; trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành. Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng bền vững, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu; xác định thị trường khách du lịch trọng tâm, chú trọng sản phẩm du lịch chất lượng; củng cố, phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch; cơ cấu lại nguồn nhân lực du lịch.
Đẩy mạnh liên kết trong phát triển du lịch, hoạt động liên kết cần được thực hiện theo các trục dọc và ngang. Đó là liên kết theo lãnh thổ (liên kết trong khu vực Tây Bắc, xây dựng tour du lịch 2 quốc gia, 6 điểm đến....), liên kết quốc tế (kết nối với các điểm du lịch ở Luang Prabang – Lào, Vân Nam – Trung Quốc; đẩy mạnh hợp tác với vùng Nouvelle Aquitaine để xây dựng các sản phẩm du lịch cho Lào Cai...).
Triển khai đồng bộ các quy hoạch, đề án, chính sách về du lịch như Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Lào Cai, Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sa Pa; xây dựng quy hoạch du lịch tại các huyện, thành phố. Xây dựng và triển khai thực hiện Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch Lào Cai; xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.
Tăng cường thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch. Tiếp tục thực hiện các dự án xây dựng cảng hàng không Lào Cai, đường nối cao tốc Hà Nội – Lào Cai đi Sa Pa; quần thể khu du lịch Cáp treo Fansipan; hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn; hệ thống đường du lịch; bãi đỗ xe; khu vui chơi, giải trí Bản Qua – Bát Xát; các dự án khách sạn, khu du lịch sinh thái.