Khi Thủ tướng Anh nói lời từ chức

Cách đây gần 3 năm (năm 2016) thông qua cuộc trưng cầu dân ý, đa số cử tri nước Anh đồng ý rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, bà Theresa May đã thay ông David Cameron làm thủ tướng.

Đây là quãng thời gian bà May phải chèo lái nội các để vạch ra kế hoạch và tiến hành đàm phán với các đảng đối lập cũng như với EU để thống nhất phương án Brexit. Cuối năm 2018, bà May đã đạt được thỏa thuận với EU để nước Anh rời khỏi khối này vào tháng 3/2019.

Thế nhưng, thỏa thuận của bà May với EU đã vấp phải sự phản đối của Quốc hội Anh. Sau ba lần bỏ phiếu kế hoạch của bà không giành được sự ủng hộ của đa số, buộc bà phải thương lượng để kéo dài Brexit vào tháng 10/2019.

Bà May vẫn tiếp tục các nỗ lực và hy vọng với kế hoạch mới sẽ giành được sự ủng hộ của các nghị sĩ vào ngày 3/6 tới. Nhưng rồi mọi cố gắng của bà đã không được như mong muốn.

Và một kết cục buồn đã diễn ra khi ngày 24/5, trong phát biểu với báo chí ở số 10 phố Downing, bà May chính thức thông báo sẽ từ chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ vào ngày 7/6 tới, đồng nghĩa với việc bà sẽ rời chức thủ tướng sau khi không thể thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Brexit mà bà đã đạt được với EU hồi cuối năm ngoái. 

 

Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu từ chức. Ảnh: Reuters

Với những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt, bà May bày tỏ: "Việc tôi không thể thực hiện thỏa thuận Brexit sẽ luôn là điều hối tiếc sâu sắc đối với tôi. Tôi sẽ từ chức Chủ tịch Đảng Bảo thủ và Đảng Hợp nhất vào ngày 7/6 để một người kế nhiệm có thể được lựa chọn".

Ngay lập tức nước Anh đã có những phản ứng khác nhau. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã bày tỏ sự tôn trọng trước Thủ tướng Anh Theresa May sau khi bà tuyên bố từ chức khỏi vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ cầm quyền, đồng thời nhấn mạnh bà đã để lại một đất nước trong trạng thái an toàn hơn.

Trên tài khoản Twitter, ông Hunt viết: "Tôi muốn bày tỏ lòng tôn kính trước Thủ tướng trong ngày hôm nay. Việc thực hiện Brexit  luôn là một nhiệm vụ nặng nề, song bà đã thực hiện tiến trình này mỗi ngày bằng sự dũng cảm và quyết tâm”.

Ông Boris Johnson, cựu Ngoại trưởng Anh và hiện là ứng cử viên hàng đầu chủ nhân mới của ngôi nhà số 10 phố Downning, đã ca ngợi bà May là nhà lãnh đạo quả cảm, đồng thời nhấn mạnh đến nhiệm vụ của người kế nhiệm bà, đó là "triển khai Brexit". Ông bày tỏ cảm ơn đối với những cống hiến của bà May đối với đất nước và Đảng Bảo thủ. Ông kêu gọi sự đồng lòng để thúc đẩy Brexit.

Trong một phản ứng trái chiều, Thủ hiến vùng Scotland, thuộc Vương quốc Anh, bà Nicola Sturgeon cho rằng, quyết định từ chức của bà May sẽ không giải quyết tình hình xung quanh vấn đề Brexit.

Bà Sturgeon viết trên Twitter rằng: "Bà May xứng đáng nhận lời cảm ơn vì những cống hiến của bà". Tuy nhiên, bà Sturgeon cho rằng sự ra đi của bà May sẽ không giúp giải quyết sự lộn xộn xung quanh Brexit mà Đảng Bảo thủ gây ra.

Lãnh đạo Công đảng đối lập, ông Jeremy Corbyn cho rằng, bà May đã đúng khi quyết định từ chức Thủ tướng. Theo ông, dù bất cứ ai thay thế bà May trở thành lãnh đạo Đảng Bảo thủ cũng cần phải tiến hành cuộc tổng tuyển cử để người dân quyết định tương lai của đất nước.

Ông Corbyn chỉ trích Đảng Bảo thủ làm hỏng đất nước liên quan đến tiến trình Brexit trì trệ, không thể cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Anh hay giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân...

Lãnh đạo ủng hộ Brexit Nigel Farage cũng chỉ trích bà May đã đánh giá sai tình hình đất nước khi cố tìm cách bảo vệ mối quan hệ thương mại gần gũi với EU.

Trong khi đó quốc tế cũng có ngay những phản ứng. Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Mina Andreeva cho biết, lập trường của EU về thời hạn nước Anh rời khỏi khối này là không thay đổi.

Phát biểu tại buổi họp báo, bà Andreeva nêu rõ: "Cá nhân Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker không thấy vui khi nghe Thủ tướng Anh Theresa May thông báo từ chức vào sáng nay. Ngài Chủ tịch đánh giá cao thời gian làm việc với Thủ tướng May. Ông sẽ trân trọng thiết lập quan hệ cộng tác một cách bình đẳng với bất cứ tân thủ tướng nào, dù đó là ai đi chăng nữa. Lập trường của chúng tôi về thỏa thuận "ly hôn" là không có gì thay đổi cả".

Bà Andreeva cũng nhắc lại rằng khối này sẽ không thay đổi thỏa thuận Brexit hiện bị đình trệ, song có thể tạm dừng đưa ra tuyên bố chính trị đi kèm về quan hệ EU-Anh sau Brexit.

Trong tuyên bố, Điện Elysee cho biết Tổng thống Pháp Macron hoan nghênh "việc làm dũng cảm" của Thủ tướng May trong nỗ lực thực hiện Brexit vì lợi ích của đất nước và với sự tôn trọng các đối tác châu Âu của Anh.

Tuy nhiên, tuyên bố cũng nêu rõ: "Nguyên tắc của EU sẽ tiếp tục được thực hiện với ưu tiên hàng đầu là chức năng hoạt động suôn sẻ của EU và điều này cần phía Anh nhanh chóng làm rõ các bước đi tiếp theo liên quan tới Brexit."

Cùng ngày, Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Martina Fietz cho biết nhà lãnh đạo Đức đã bày tỏ sự tôn trọng quyết định từ chức của Thủ tướng Anh, đồng thời cho rằng bà và Thủ tướng Anh đã có quan hệ hợp tác tin cậy và tốt đẹp.

Theo bà Fietz, Thủ tướng Merkel cũng cam kết tiếp tục làm việc với Thủ tướng May trên tinh thần như vậy cho đến khi nhà lãnh đạo nước Anh từ chức.

Bà Merkel nhấn mạnh: "Berlin mong muốn duy trì sự hợp tác chặt chẽ và quan hệ mật thiết với Chính phủ Anh".

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết, ông đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với bà Theresa May, trong đó ông bày tỏ sự tôn trọng dành cho bà May sau khi bà thông báo sẽ từ nhiệm vào ngày 7/6 tới.

Trên trang Twitter cá nhân, ông Rutte nhấn mạnh: "Thỏa thuận đạt được giữa EU và Anh về một Brexit có trật tự vẫn còn nằm trên bàn đàm phán".

Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cho rằng EU sẽ không thay đổi quan điểm về Brexit hoặc đưa ra một thỏa thuận khác mềm mỏng hơn đối với người kế nhiệm bà May trong tương lai. Ông đồng thời nhấn mạnh khả năng nước Anh rời EU mà không có thỏa thuận đang hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết do EU "đã hết kiên nhẫn".

Còn Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thì cho biết, Nga đang theo dõi sát sao tiến trình liên quan tới vấn đề Brexit ở Anh, đồng thời bày tỏ mong muốn một EU ổn định.

Phát biểu với báo giới, ông Peskov nêu rõ: "Chúng tôi đang theo dõi sát tiến trình liên quan Brexit, bởi vấn đề này chắc chắn gây ảnh hưởng tới cả nước Anh và EU. Lý do là vì EU là đối tác kinh tế và thương mại lớn của chúng tôi và chúng tôi muốn một đối tác có thể dự đoán được, ổn định và phát triển".

Bình luận về quyết định từ chức của Thủ tướng May, đại diện Điện Kremlin còn cho rằng bà May giữ chức Thủ tướng Anh đúng vào thời điểm mối quan hệ Anh - Nga đầy khó khăn.

Việc bà May quyết định từ chức sẽ mở đường cho Đảng Bảo thủ bầu lãnh đạo mới và nước Anh sẽ có một Thủ tướng mới. Thủ lĩnh hàng đầu của Đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh Brandon Lewis thông báo đảng này sẽ bổ nhiệm người kế nhiệm bà May giữ chức lãnh đạo đảng và Thủ tướng Anh trước khi Quốc hội bước vào kỳ nghỉ mùa Hè - được ấn định vào ngày 20/7 tới.

Người kế nhiệm Thủ tướng May sẽ được lựa chọn theo tiến trình gồm hai giai đoạn, theo đó hai ứng cử viên cuối cùng sẽ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu kín của 125.000 thành viên Đảng Bảo thủ.

Đồng thời trên chính trường nước Anh đã ngay lập tức xuất hiện những nhân vật tranh cử. Đó là cựu Ngoại trưởng Anh và hiện là nghị sĩ Đảng Bảo thủ Boris Johnson và Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt.

Đề cập về nhân vật kế nhiệm bà May, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar đã cảnh báo rằng, việc lựa chọn một thủ tướng mới tại Anh có thể dẫn tới một giai đoạn mới trong tiến trình đàm phán về Brexit, song điều này lại có thể "rất nguy hiểm" đối với Ireland.

Trao đổi với hãng tin Virgin Media, Thủ tướng Varadkar nêu rõ: "Chúng ta có thể mường tượng về một thủ tướng mới đắc cử có quan điểm hoài nghi châu Âu, muốn từ bỏ thỏa thuận Brexit và để Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, hoặc một Chính phủ Anh mới mong muốn một mối quan hệ gần gũi hơn với EU và tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai."

Tuy nhiên, ông khẳng định dù bất cứ điều gì xảy ra, Ireland vẫn bình tĩnh và sẽ củng cố, xây dựng các liên minh trên khắp EU./.

Theo baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba

Tại kỳ họp lần này của Đại hội đồng, hơn 30 tham luận đã bày tỏ phản đối cuộc chiến kinh tế của Mỹ chống lại Cuba, đồng thời bác bỏ việc đưa Cuba vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Tổng thống Venezuela chuyển thông điệp cảm ơn đến lãnh đạo Việt Nam

Tổng thống Maduro cho biết nhận lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như đáp lại tình cảm của các lãnh đạo chủ chốt Việt Nam, ông sẽ sớm thăm lại Việt Nam nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ.

Tỉnh Miyagi của Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão lũ

Ngày 31/10, Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Nhật-Việt tỉnh Miyagi, ông Atsushi Kamada đến Ðại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trao quà hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả của bão số 3 (tên quốc tế là Yagi), trị giá 1 triệu yen (hơn 170 triệu đồng).

Tuyên bố chung Việt Nam-UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện

Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), lãnh đạo cấp cao Việt Nam và UAE nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện vào ngày 28/10/2024. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ...

Di sản tư liệu thế giới - nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế

Từ ngày 28-29/10/2024, tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris (Cộng hòa Pháp) đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Chương trình Ký ức thế giới (MOW) và Diễn đàn chính sách toàn cầu lần thứ 4 về Di sản tư liệu.

Hợp tác quốc tế về chuyển đổi xanh

Kết thúc các cuộc thảo luận ở thủ đô Washington (Mỹ), các bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch.