Rừng công viên của người Hà Nhì
Ở Lào Cai, người Hà Nhì sống tập trung tại một số xã vùng cao của huyện Bát Xát. Với tập quán sống quần cư, nhà ở của người Hà Nhì thường nằm sát nhau. Do quỹ đất hạn hẹp nên những hoạt động chung của một nhóm hộ hay của cả thôn rất khó thực hiện. Vì vậy, để có nơi thoáng đãng, rộng rãi, thuận tiện cho việc thực hiện các nghi thức tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa, mỗi thôn, bản lại tạo một “a gờ lạ do” - công viên riêng. Rừng công viên - “a gờ lạ do” của người Hà Nhì ẩn chứa những điều thú vị.“A gờ lạ do” thôn Nhìu Cồ San, xã Y Tý nằm bên vườn cây sơn tra cổ thụ. |
Rừng công viên thường là một khu đất trống, bằng phẳng, xung quanh có rừng cây xanh mướt. Tâm điểm của khu là 1 nhà công viên dài 5 m, rộng chừng 3 m. Nhà không có vách, chỉ có khung, sàn làm bằng gỗ, trên lợp mái cỏ. Đây là nơi để các gia đình trong thôn chuẩn bị lễ vật cho lễ hội, nghi thức cúng cầu của mình, đồng thời để các gia đình liên hoan sau nghi lễ. Ở nơi núi cao, quanh năm chìm trong mưa mù nên tuổi thọ của những mái cỏ không cao, mỗi năm trong dịp tổ chức Lễ hội Khô Già Già, thanh niên trai tráng trong bản lại đi lựa những bó cỏ đẹp nhất về lợp lại. Trong rừng công viên còn có 2 đồ chơi tự tạo là đu quay “a gúy” và đu dây “a gừ”. Những chiếc “a gúy” và “a gừ” đều được làm từ những cây gỗ quý và dây chắc khỏe trên rừng xa.
Ngày thường, “a gờ lạ do” im ắng lắm, vì theo quy định không ai được vào chơi hay làm bất cứ việc gì tại đó. Chỉ trong các ngày lễ hội, như Tết thiếu nhi, Lễ hội Khô Già Già, ngày hội tình yêu thì rừng công viên mới đông người vào, ra.
Người dân thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường liên hoan sau nghi lễ cúng Lễ hội Khô Già Già tại “a gờ lạ do” của thôn. |
Còn nhớ tháng 6 âm lịch năm 2018, trên đường từ trung tâm huyện Bát Xát lên Y Tý theo đường Trịnh Tường - Phìn Hồ Thầu, ngang qua “a gờ lạ do” của thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường, chúng tôi thấy người ra vào tấp nập. Hỏi ra thì được biết, người Hà Nhì ở đây đang tổ chức Lễ hội Khô Già Già. Biết luật tục không kiêng người ngoài nên tôi cùng người bạn tham gia. Tại lễ hội, người già, người trẻ đều mặc trang phục truyền thống đẹp nhất để thực hiện các hoạt động, từ nghi lễ cúng đến liên hoan, chơi các trò chơi dân tộc như đu dây, đu quay, kéo co… Những chiếc “a gúy” và “a gừ” hoạt động hết công suất. Bên rừng công viên, trong các mùa lễ hội, nhiều nam thanh, nữ tú còn nên duyên chồng vợ qua những lời tìm hiểu, giao ước.
Ông Ly Giá Xe, Trưởng thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường (Bát Xát) cho biết: Trong đời sống tinh thần và tâm linh của người Hà Nhì, “a gờ lạ do” có vị trí rất đặc biệt. Đó là nơi thực hiện các nghi lễ thiêng liêng của làng, của dân tộc. Do vậy, dẫu có đặt ở vị trí cách xa trung tâm làng, không có người trông giữ thì cũng không ai dám đến phá phách hay nghịch ngợm.
Theo hướng dẫn của trưởng thôn Xe, tôi hào hứng chơi “a gúy” và “a gừ”. Theo chiếc dây, người vung lên cao, rồi lại quay tít mù theo chiếc cần quay. Trong những bước đu, tôi còn nghe thấy tiếng gọi nhau, tiếng cười đùa giòn tan của trẻ nhỏ Hà Nhì vang tận vào rừng xanh.