Vấn đề đa phương tại Hội nghị Ngoại trưởng G7
Sau 2 ngày nhóm họp tại khu nghỉ dưỡng Breton ở Dinard, miền Bắc nước Pháp, ngày 6/4 (theo giờ địa phuơng), Ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7, gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ) đã kết thúc.Các Ngoại trưởng G7 đã ra tuyên bố chung đề cập tới nhiều vấn đề nóng của thế giới.
Phát biểu với phóng viên sau Hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho hay, G7 đã khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên trong nỗ lực buộc nước này phải phi hạt nhân hóa.
Liên quan việc Trung Quốc quân sự hóa tiền đồn ở các khu vực tranh chấp của Biển Đông và dự định làm suy yếu sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, G7 đã bày tỏ phản đối mọi hành động đơn phương làm xói mòn sự ổn định khu vực và trật tự dựa trên quy tắc của quốc tế.
Trong khi đó, các ngoại trưởng G7 cũng có sự đồng thuận rộng rãi về việc gây sức ép đối với những cá nhân chịu trách nhiệm về cuộc tranh giành quyền lực ở Libya, đặc biệt là Tướng Khalifa Haftar - người đứng đầu lực lượng đối lập Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tự xưng, để tránh leo thang quân sự.
Đặc biệt, vấn đề cơ chế đa phương cũng được nhấn mạnh tại Hội nghị lần này. Trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nêu rõ: Vào lúc cần phải đưa ra những quyết định quan trọng về hòa bình và an ninh quốc tế, những quyết định đó chỉ có thể là do tập thể đưa ra. Và vì thế, chúng ta có tham vọng giúp đỡ những người muốn cùng nhau đi xa hơn và thúc đẩy sự hồi sinh của cơ chế đa phương.
Tuy nhiên, “chúng ta” ở đây lại không phải là cả 7 nước thuộc khối G7, mà chỉ là 4 nước trong số đó, gồm Đức, Canada, Nhật Bản và Pháp. Bốn nước này chấp nhận tham gia một liên minh mới vì cơ chế đa phương.
Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh: “Nền tảng của những gì đã hình thành nên cơ chế đa phương từ cuối Thế chiến thứ hai, những nền tảng này đang bị tan rã. Các vị có thể xử lý như thế nào đối với các cuộc khủng hoảng di dân, kỹ thuật số, khí hậu đang xảy ra trước mắt chúng ta, đó là chưa nói đến nạn khủng bố trong tình hình hiện nay, thậm chí trong cảnh thoái lui?
Thật khó lòng mà Mỹ không cảm thấy bị nhắm đến trong bài diễn văn này. Thế nhưng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại là người duy nhất vắng mặt trong cuộc họp các ngoại trưởng của khối G7”?!
Hội nghị Ngoại trưởng lần này được kỳ vọng đặt nền tảng cho Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra từ ngày 24-26/8 tại Biarritz, Pháp.
Tuy nhiên, ngoài sự đồng thuận về những vấn đề nóng trên thế giới, thì “cơ chế hợp tác đa phương” đang là vật cản để G7 tìm tiếng nói chung nhằm giải quyết hàng loạt thách thức từ kinh tế đến quân sự đang đặt ra.
Dư luận còn nhớ, Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2018 ở Canada đã chứng kiến những chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Hội nghị sớm, không ký tuyên bố chung của Hội nghị và công khai chỉ trích Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau.