Những điều cần biết về dịch tả lợn Châu Phi
Dịch tả lợn Châu Phi đang gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi và khiến không ít người dân hoang mang, lo lắng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có khuyến cáo để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về dịch bệnh và các giải pháp cấp bách phòng tránh, ngăn chặn và ứng phó với dịch bệnh này.Đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn nhiễm bệnh (cả lợn nhà và lợn rừng). Dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người.
Các nguồn lây nhiễm bệnh
Bệnh lây chủ yếu trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe. Ngoài ra, bệnh có thể lây gián tiếp thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, quần áo có chứa chất mang vi rút. Loài ve mềm (Omithodoros moubata) có thể làm lây truyền vi rút sang lợn. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi cho lợn.
Vi rút gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao với môi trường. Ở nhiệt độ phòng, vi rút trong huyết thanh lợn sống được 18 tháng, vi rút trong máu giữ trong tủ lạnh có thể sống đến 6 năm. Ở nhiệt độ càng lạnh thì vi rút tồn tại càng lâu. Vi rút có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao nên vi rút có thể chịu được trong thời gian dài 3- 6 tháng. Vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 560C trong 70 phút hoặc ở 600C trong 20 phút. Vi rút sống trong máu đã phân hủy được 15 tuần; trong máu khô không được 70 ngày; trong phân ở nhiệt độ phòng được 11 ngày…
Biểu hiện lợn mắc bệnh
Bỏ ăn, sụt cân, ủ rũ; sốt cao đột ngột 42- 43 độ C; vành tai, đuôi, cẳng chân, da dưới bụng, ngực có màu sẫm xanh tím; thường tụ tập thành một đám đông.
Các giải pháp cấp bách cần thực hiện
Giải pháp về chăn nuôi và an toàn sinh học: Thực hành chăn nuôi tốt, xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh. Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất (như xút NaOH 2%,…); hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.
Giải pháp kiểm soát vận chuyển: Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới. Tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, sân bay, cảng biển đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có dịch tả lợn Châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam. Tổ chức kiểm soát, giám sát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn, kể cả sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín đến Việt Nam,… Trường hợp nghi lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu cần truy xuất nguồn gốc theo Luật an toàn thực phẩm, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không đảm bảo an toàn. Tiêu hủy đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam.
Giải pháp chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh: Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm, giám sát, điều tra ô dịch và ứng phó với dịch bệnh. Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn. Nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh. Trường hợp phát hiện mẫu dương tính thì phải tổ chức xử lý kịp thời, tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm. Việc tiêu hủy cũng được áp dụng với đàn lợn liền kề với đàn lợn dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm. Tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của dịch tả lợn Châu Phi mà không nhất thiết phải chờ có kết quả xét nghiệm nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng./.