Mang vẻ đẹp hoa ban đến bè bạn bốn phương
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá “Lễ hội Hoa Ban” của tỉnh Điện Biên là một sản phẩm du lịch đặc sắc, đã và đang góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa dân tộc.Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ hội Hoa Ban 2019. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Tối 16/3, Lễ hội Hoa Ban năm 2019 đã chính thức khai mạc tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, mở đầu cho chuỗi các hoạt động của tỉnh chào mừng 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 110 năm thành lập tỉnh Điện Biên.
Trải qua 5 kỳ tổ chức (từ 2014 đến 2018), đến nay Lễ hội Hoa Ban đã trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh Điện Biên, được tổ chức vào trung tuần tháng 3 hằng năm, gắn với mốc thời gian mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Lễ hội năm nay được tổ chức gắn với Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch lần thứ VI, với nhiều hoạt động như: Liên hoan dân ca dân vũ các dân tộc; trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch, văn hóa truyền thống các dân tộc; giao lưu, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian và một số hoạt động trải nghiệm du lịch thú vị khác.
Tiết mục văn nghệ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 tại lễ hội Hoa Ban 2019. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, là phên giậu vững chắc ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã có nhiều đóng góp to lớn trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước, tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước bạn láng giềng. Đặc biệt trên mảnh đất này, cách đây 65 năm, Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã góp phần quyết định vào thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược.
Sau 65 năm giải phóng, từ một tỉnh miền núi, biên giới còn rất nhiều khó khăn, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã nỗ lực đoàn kết, phấn đấu, từng bước vươn lên, đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng lên.
Trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam ta, hơn 20 dân tộc anh em Tây Bắc rất mực kiên trung, anh dũng trong đấu tranh chống lại thiên tai, địch họa và cũng vô cùng chân thực, đằm thắm, nghĩa tình cùng bản sắc hết sức độc đáo.
Tiết mục "Hoa ban trong sắc trời mùa xuân". Ảnh: VGP/Đình Nam |
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng và những kết quả to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đạt được trong những năm qua.
Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng là xứ sở của hoa ban, loài hoa không chỉ chứa đựng vẻ đẹp tinh khôi mà còn mang trong mình sức sống mãnh liệt. Rất tự nhiên, hoa ban đã đi vào đời sống văn hóa tinh thần của nhiều dân tộc trên vùng đất giàu truyền thống và mến khách này. Hình ảnh hoa ban, thông qua kho tàng văn học dân gian và những làn điệu dân ca, dân vũ đã đi sâu vào tiềm thức, đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi đây, tạo nên mối liên kết, giao hòa giữa hoa, thiên nhiên với tâm hồn, cốt cách của người dân.
“Cảnh quan hùng vĩ cùng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa và trên hết là con người Tây Bắc hòa quyện cùng sắc đẹp hoa ban và điệu Xòe đã làm Tây Bắc, làm Điện Biên trở thành một khu du lịch tiềm năng, một điểm đến lôi cuốn đối với nhiều người”, Phó Thủ tướng nói.
“Lễ hội Hoa Ban”, một sản phẩm du lịch đặc sắc của Điện Biên, của vùng rừng núi Tây Bắc đã và đang góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa dân tộc. Hình tượng hoa ban nói riêng, vẻ đẹp của mảnh đất, con người Điện Biên, con người Tây Bắc nói chung đã và đang được giới thiệu đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Tiết mục "Khai lập xứ Mường Thanh". Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng cho rằng, với nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng, tiềm năng du lịch Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung còn rất lớn, và rất cần được quan tâm chỉ đạo, thu hút đầu tư để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh trong vùng và cả nước, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.
Bên cạnh những chương trình, dự án đầu tư lớn để phát triển nâng cấp hạ tầng giao thông, trước hết là đường không, đường bộ, cần tập trung xúc tiến, thu hút đầu tư một số điểm du lịch có quy mô, tầm cỡ quốc gia, tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử của vùng đất này.
Đặc biệt, cần phát triển mạnh du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đặc sắc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy kết nối hình thành các tuyến du lịch gắn với các địa danh du lịch, các địa phương có di sản văn hóa, di sản lịch sử trong nước và quốc tế.
Nhưng trên hết, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yếu tố con người trong phát triển du lịch. Không chỉ cần đội ngũ cán bộ, người lao động trong ngành du lịch mà còn cần sự chung tay của nhiều ngành có liên quan, của các cấp ủy, chính quyền và của mọi người dân. Không chỉ là chuyên môn, nghiệp vụ, mà mỗi việc làm tốt, mỗi thái độ ứng xử văn hóa đều là một đóng góp cho ngành du lịch, cho phát triển kinh tế, cho xây dựng, phát triển nền văn hóa, phát triển con người Việt Nam xứng đáng với truyền thống anh hùng, văn hiến của dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thế giới hiện đại.
Phó Thủ tướng tin tưởng với truyền thống và tiềm năng, lợi thế, và những thành tựu đã đạt được, với sự quan tâm giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, sự đồng tâm, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc anh em, Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn, là điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng phát triển du lịch vùng Trung du, Miền núi Bắc Bộ và cả nước.
* Sau phần lễ, đông đảo người dân và du khách đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật “Hoa Ban rạng rỡ đất Mường Thanh” trong đêm khai mạc với 3 chương “Hoa Ban huyền thoại”, “Mường Thanh-Miền đất lịch sử và anh hùng”, “Sắc màu trong ngày hội tại thành phố Điện Biên”.